Chánh kiến

Sự khác nhau giữa người khôn ngoan và kẻ ngu là gì? Câu trả lời là: người khôn ngoan thực hành đời sống phạm hạnh (magga brahmacariya) còn kẻ ngu thì không. Vì vậy người khôn ngoan không còn tái sinh trong tương lai, và già nua, bệnh tật, cái chết trong tương lai cũng không còn tồn tại nữa. Đối với kẻ ngu, không thực hành đời sống phạm hạnh cao quý, sẽ tiếp tục tái sinh trong tương lai và kết quả nhận được là già nua, bệnh tật rồi chết. Người khôn ngoan không còn đau khổ trong tương lai còn kẻ ngu ngốc tiếp tục chịu đựng đau khổ. Thực hành đời sống phạm hạnh là con đường thực hành dựa trên chánh kiến (sammādiṭṭhi). Sammā là đúng, diṭṭhi là cái nhìn, sammādiṭṭhi có nghĩa là cái nhìn đúng đắn, chánh kiến. Có năm loại chánh kiến:

(1) Kammassakatā sammādiṭṭhi – Chánh kiến về nguyên nhân và kết quả

(2) Jhāna sammādiṭṭhi – Chánh kiến về thiền định

(3) Vipassanā sammādiṭṭhi – Chánh kiến về thiền minh sát

(4) Magga sammādiṭṭhi – Chánh kiến về Đạo tuệ

(5) Phala sammādiṭṭhi – Chánh kiến về Quả tuệ.

(1) Kammassakatā sammādiṭṭhi là chánh kiến tin vào các hành động tạo nghiệp và kết quả của nghiệp. Kammassakatā sammādiṭṭhi đang bố thí, cúng dường, làm phước thiện hay đang gieo những hạt giống tốt để nhận lấy kết quả là sự may mắn, giàu sang. Kammassakatā sammādiṭṭhi tồn tại cả bên ngoài và bên trong giáo pháp (sāsana).

(2) Jhāna sammādiṭṭhi là sự thực hành định tâm (samatha). Kết quả của việc thực hành thiền định này là có thể đạt được các loại thần thông và được tái sinh trong các cõi trời sắc giới (rūpa) hay cõi phạm thiên vô sắc (arūpa). Tuy nhiên điều này vẫn nằm trong sự thật của đau khổ (dukkha sacca), vậy nên kết quả không có nhiều giá trị. Đây là chánh kiến, không có gì phải nghi ngờ về điều này, nó thấy sự thật nhưng không phải là sự thật cuối cùng. Jhāna sammādiṭṭhi cũng tồn tại cả bên ngoài và bên trong giáo pháp.

Ba chánh kiến còn lại (3)(4)(5), là chánh kiến về vipassanā, chánh kiến về Đạo tuệ và chánh kiến về Quả tuệ chỉ tồn tại trong thời gian có giáo pháp của Đức Phật (Buddha sāsana). Chánh kiến đầu tiên trong ba chánh kiến này, là chánh kiến về thiền minh sát (vipassanā sammādiṭṭhi) dùng để xua tan thân kiến (sakkāyadiṭṭhi). Cả Đức Phật và tôi đều đảm bảo rằng, nếu thực hành vipassanā thì sự tái sinh trong các cõi thấp sẽ không xảy ra. Ngay trong kiếp sống này, thực hành vipassanā có thể dẫn tới giác ngộ Niết Bàn. Đầu tiên trở thành thánh Nhập Dòng, sau đó là thánh Nhất Lai, tiếp theo là thánh Bất Lai và cuối cùng trở thành bậc thánh A La Hán.

Tiếp theo chánh kiến về vipassanā, chánh kiến về Đạo tuệ sẽ được thảo luận. Chánh kiến thứ nhất và thứ hai không được thảo luận nhiều vì chúng có thể tồn tại bên ngoài thời gian của giáo pháp và không giúp ích nhiều trong việc giải thoát khỏi đau khổ. Chánh kiến quan trọng nhất là chánh kiến về vipassanā, cần được thảo luận để áp dụng vào thực hành.

Theo chú giải của kinh Tương Ưng (saṃyuta nikāya), chánh kiến về vipassanā nhìn thấy bản chất vô thường, khổ, vô ngã của các hiện tượng theo pháp Duyên Sinh (paṭiccasamuppāda), nên thân kiến đồng hoá các uẩn là ‘tôi’, ‘của tôi’ được nhổ tận gốc dễ. Vô thường, khổ, vô ngã có thể được quán tưởng khi bất cứ uẩn nào sinh khởi, cho dù là ở giai đoạn đầu, giai đoạn giữa hay giai đoạn cuối của vòng duyên sinh. Nếu tính vô thường, sự sinh diệt của các uẩn được nhìn thấy theo cách này, ba tà kiến sẽ được xua tan.

Tuệ giác vipassanā có thể xoá bỏ ba tà kiến (micchadiṭṭhi) là thân kiến (sakkāyadiṭṭhi), thường kiến (sassatadiṭṭhi) và đoạn kiến (ucchedadiṭṭhi). Do đó chánh kiến thứ ba này là quan trọng nhất. Chánh kiến thứ tư về Đạo tuệ (magga sammādiṭṭhi), tương đối dễ dàng, nó sinh khởi nơi con đường đã được làm sẵn bởi chánh kiến về vipassanā. Magga sammādiṭṭhi là giai đoạn khi trí tuệ sắc bén sinh khởi và nhìn thấy sự chấm dứt của mọi đau khổ.

Giai đoạn thứ ba của chánh kiến, vipassanā sammādiṭṭhi, không gì khác hơn là thực hành thiền tuệ vipassanā. Để thực hành vipassanā, hãy quan sát các hiện tượng sinh và diệt. Bất cứ hiện tượng nào sinh khởi, như tâm muốn ăn, muốn ngủ, tâm suy nghĩ hay bất cứ tâm nào xuất hiện, được quan sát kịp thời chính là vipassanā. Hãy hướng sự chú ý đến sự sinh và diệt của các hiện tượng, nó trở thành vipassanā sammādiṭṭhi. Đó có thể là bất cứ tâm nào, bất cứ tâm nào khởi lên, hãy quan sát đặc tính của nó. Nếu tâm không khởi lên thì sau đó là cái chết. Pháp khởi lên là các uẩn duyên sinh, các uẩn luôn sinh diệt, sinh diệt, ngoài pháp này ra không còn pháp nào khác.

Thấy vô thường là sự kết thúc của tà kiến, cái mà đưa chúng sinh xuống các cảnh giới thấp kém. Sinh khởi rồi diệt đi dẫn đến hiểu biết rằng đây ‘không phải là tôi, không phải là của tôi, không phải là tự ngã của tôi’, tất cả chỉ là các hiện tượng sinh rồi diệt. Bằng cách quan sát sinh diệt của các uẩn, thân kiến bị xua tan. Đây là những gì được trình bày trong chú giải của kinh Tương Ưng (saṃyutta nikaya).

Có người hỏi rằng, quan sát tính vô thường để làm gì? Để xua tan tà kiến và những quan điểm sai lầm về bản thân, cái dẫn chúng sinh đến các trạng thái khốn khổ. Một người chưa đạt tới điểm kết thúc của sinh diệt, trong khi vẫn còn đang quan sát các uẩn sinh diệt, nếu tuổi thọ bị cắt đứt bởi đoạn nghiệp (upaghātaka kamma), người đó chết đi, nhưng chắc chắn không tái sinh trong các cảnh giới đau khổ. Nhìn thấy sự diệt đi của các hiện tượng, thân kiến và thường kiến bị xua tan. Nhìn thấy sự sinh khởi của các hiện thượng, thân kiến và đoạn kiến bị xua tan.

Cánh cửa dẫn đến bốn cõi thấp bắt đầu từ thân kiến. Với sự thấy biết sinh khởi và diệt đi của các uẩn, vipassanā sammādiṭṭhi cắt đứt thân kiến. Dập tắt thân kiến còn quan trọng hơn dập tắt ngọn lửa đang cháy trên đầu bạn. Ngay cả khi có một mũi giáo đâm vào ngực, hãy loại bỏ thân kiến trước, bởi vì đây là pháp đưa bạn đến cõi khốn khổ.

Cho dù chưa thể giác ngộ Niết Bàn hay chưa đạt được Đạo tuệ, nếu một người chết với các tuệ giác vipassanā, trong kiếp sau người đó vẫn có thể đạt được giai đoạn giác ngộ đầu tiên, trở thành thánh Nhập Dòng (sotāpanna). Điều này được đề cập trong kinh Tăng Chi (anguttara nikaya).

Đừng lùi bước trong việc phát triển tuệ giác, hãy nỗ lực xua tan quan điểm sai lầm về bản thân, sakāyadiṭṭhi. Không được lùi bước trong việc xua tan thân kiến, vì điều này chỉ có thể được biết trong thời gian tồn tại của giáo pháp.  

Nơi cư trú thường xuyên cho tất cả chúng sinh là các cõi thống khổ, bởi vì nguyên nhân từ thân kiến. Chắc chắn là thân kiến trước đây chưa bao giờ bị xua tan và vipassanā chưa bao giờ được thực hành.

Nếu chưa xua tan được thân kiến thì không có thời gian để nghỉ ngơi và thư giãn. Hãy đặt mọi liên hệ với thế gian như gia đình, con cái, công việc làm ăn sang một bên, nỗ lực xua tan thân kiến trước. Đừng nghĩ rằng chăm sóc con trai, con gái, gia đình, họ hàng, hay công việc kinh doanh là bắt buộc, điều duy nhất bắt buộc là phải xua tan thân kiến. Có thể bạn bị chỉ trích vì bỏ bê gia đình hay công việc, nhưng bạn sẽ không phải đi đến trạng thái khốn khổ (apāya). Rất tệ nếu không thấy sinh và diệt, không xua tan được thân kiến, điều này tệ hơn rất nhiều so với bị gét bỏ.

Theo chú giải Anguttara, người có thân kiến giống như một hòn đá ném xuống nước, sẽ không bao giờ xuất hiện trở lại. Không có tài sản hoặc bị con trai, con gái gét bỏ không quan trọng bằng việc bị chìm đắm và không bao giờ trở lại. Họ trở thành gia đình, người thân, hàng xóm, tài sản của bạn trong cuộc đời này. Bạn quan tâm đến những người đó nhưng bạn không có tình thương với chính mình. Quan tâm đến người khác, giống như “không sao đâu nếu tôi phải rơi vào cảnh giới khốn cùng”. Bạn là kẻ ngu ngốc và không biết về điều đó. Hãy nhìn vào tuổi tác của mình, cặp mắt của bạn đang hướng về phía nghĩa trang. Bạn đang già đi. Đó là lý do tại sao trong kinh Tương Ưng, Đức Phật đã nói “dập tắt thân kiến quan trọng hơn dập tắt ngọn lửa trên đầu, ngay cả khi có một ngọn giáo đâm vào ngực của bạn, hãy loại bỏ thân kiến trước tiên”.

Làm thế nào để kết thúc thân kiến? Sinh khởi và đoạn diệt của tâm phải được quan sát. Tà kiến được xua tan bởi kiến thức, bằng sự quan sát sự sinh diệt của danh sắc và sẽ được nhổ tận gốc bởi Đạo tuệ.

Thực hành minh sát tuệ, chánh kiến về vipassanā (vipassanā sammādiṭṭhi), tức là bạn đang xua tan tà kiến. Bạn đã bỏ lỡ tất cả các vị Phật trong các chu kỳ thế giới trước đây, bởi vì bạn đã ở trong địa ngục. Ai đã đưa bạn xuống địa ngục? Thân kiến đã gửi bạn xuống đó, khi thân kiến chưa được xua tan, chắc chắn bạn sẽ bỏ lỡ mọi vị Phật xuất hiện trên thế giới.

Bạn mong ước được nhìn thấy Đức Phật, bạn cúng dường đến Đức Phật với mong muốn được giác ngộ, giải thoát nhưng bạn vẫn không làm bất cứ điều gì để ngăn chặn pháp thân kiến đang che lấp bạn nhìn Đức Phật. Bạn có thể mong ước bất cứ điều gì, nhưng nếu bạn không thoát khỏi thân kiến, bạn sẽ không đạt được điều đó. Mong ước chỉ là điều bình thường nhưng thân kiến là điều thực sự đưa bạn đến các cõi thấp, pháp này chắc chắn sẽ đưa bạn đến các trạng thái khốn cùng. Đó là pháp gì? Là pháp thân kiến, pháp đã nhiều lần đưa bạn xuống bốn cõi đau khổ.

Trong suốt vòng luân hồi sinh tử, có bao nhiêu vị Phật đã xuất hiện? Nhiều như những hạt cát ở sông Ganga. Tại sao bạn lại bỏ lỡ tất cả? Bởi vì thân kiến đã đưa bạn xuống những cõi đau khổ trong suốt vòng luân hồi. Sẽ có nhiều vị Phật trong tương lai, nhưng nếu bạn không xua tan tà kiến, bạn sẽ tiếp tục bỏ lỡ cơ hội.

Đừng vội dập tắt ngọn lửa trên đầu bạn, ngôi nhà của bạn có thể bị cháy, quần áo của bạn có thể bị cháy, nhưng hãy xua tan thân kiến trước. Bởi vì vipassanā chưa bao giờ được thực hành trong suốt vòng luân hồi nên bạn đã nhiều lần sống trong các cõi đau khổ, điều này là chắc chắn, vì đã được Đức Phật nói trong Kinh Tập (sutta nipāta). Nếu bạn không bắt đầu thực hành vipassanā ngay bây giờ thì không còn gì tệ hơn điều này.

Vì có thân kiến mà 62 tà kiến khác còn ở đó, vì thân kiến này mà bạn đã bỏ lỡ vô số các vị Phật, nhiều như những hạt cát trên sông Ganga, cũng như đã bỏ lỡ lời dạy của những vị ấy. Bạn đã sống với đau khổ trong suốt thời gian qua. Trong kiếp sống này, bạn phải biết sự sinh khởi của các uẩn, biết sự sinh khởi của pháp Duyên Sinh, biết bản chất của các uẩn là sinh và diệt. Nếu không biết về các uẩn duyên sinh thì tà kiến về ‘con người’ hay ‘chúng sinh’ sẽ sinh khởi.

Ví dụ, nhĩ thức vừa sinh khởi, là khởi đầu của duyên sinh. Bạn phải biết đây là pháp Duyên Sinh, paṭiccasamuppāda. Bạn phải biết sự khởi đầu này, biết đó là sự sinh khởi của pháp, khi đó mới không bị coi là ‘tôi’ hay ‘người khác’. Quan sát ngay từ đầu bằng trí tuệ, sau đó ‘tôi’ và ‘người khác’ sẽ bị xua tan. Đó chỉ là pháp sinh khởi và pháp diệt đi, là pháp vô thường, không có ‘tôi’, không có ‘của tôi’.

Trong giáo pháp của Đức Phật, không có gì quan trọng hơn thực hành vipassanā, thực hành vipassanā nghĩa là xua tan tà kiến. Thay vì ăn hai bữa một ngày thì ăn một lần trong ngày là đủ, nếu mái nhà dột thì bỏ đi, không vấn đề gì, chúng sẽ không gửi bạn đến các cõi khổ, bị ướt có thể là điều tồi tệ nhất xảy ra. Nhưng nếu tà kiến không được xua tan, kết quả là tái sinh trong các cõi khổ.

Đừng nghĩ đây là vấn đề nhỏ, thân kiến là gốc rễ của tất cả các hành động bất thiện. Bạn nói rằng bạn đang kiếm tiền “cho bản thân tôi”, “cho con trai và con gái của tôi”. “Bản thân tôi” là tà kiến, “con trai và con gái của tôi” là tham ái. Những niềm tin này dựa trên thân kiến, do sức mạnh của thân kiến, bạn cố gắng kiếm tiền cho đến khi kiệt sức. Bạn không có lấy một ngày nghỉ ngơi, kiệt sức và già đi, bệnh tật đang bắt đầu hành hạ bạn. Mỗi ngày trôi qua bạn luôn phải sống trong nỗ lực kiếm tiền, hôm nay, ngày mai và ngày kia. Bởi vì có ‘tôi’ bạn đang cố gắng biến mọi thứ thành ‘của tôi’. Nếu cái ‘tôi’ tà kiến không được loại bỏ, việc cố gắng đạt được thứ này thứ kia sẽ làm cho ‘của tôi’ tiếp tục.

Hàng ngày bạn ngồi ở cửa hàng của mình và lần tràng hạt cầu nguyện, với mong muốn có nhiều khách đến mua hàng. Bạn làm điều này với sự thèm muốn (taṇhā), bạn đang cố gắng làm cho sự giàu có trở thành ‘của tôi’. Ngay cả khi bạn quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng, rồi bạn tin rằng công việc làm ăn kinh doanh tốt đẹp là nhờ quy y Tam bảo. Thân kiến đang lén lút đi vào, bạn đang quy y Tam bảo với hy vọng doanh nghiệp của bạn sẽ thành công.

Khi tà kiến chưa được xua tan, trí tuệ sẽ không ở đó. Do thiếu hiểu biết (avijjā) nên các hành động có điều kiện (saṅkhāra) sinh khởi, avijjā paccaya saṅkhāra, ngay cả những hành động thiện cũng sinh khởi từ sự thiếu hiểu biết. Sau đó saṅkhāra paccaya viññāna, phụ thuộc vào các hành động có điều kiện (saṅkhāra) nên thức (viññāna) sinh khởi, và sẽ có tái sinh (jāti). Kết quả là bạn tiếp tục rơi vào sự tái sinh.

Khi hùn phước xây dựng nhà vệ sinh cho các tu viện, hay cho các nơi công cộng, bạn nói hướng này là may mắn đối với tôi. Bạn đang chọn hướng may mắn. Khi tặng một nhà vệ sinh, bạn nói đây là hướng không may mắn, sẽ gây nguy hiểm cho cuộc sống của tôi. Mặc dù đây là những phước thiện, nhưng chúng là các hành động có điều kiện, và bạn tiếp tục rơi vào kẽ hở của sự tái sinh. Đây là công việc của tà kiến, nếu tà kiến chưa được xua tan, thực hiện bất kỳ công việc gì đều dẫn đến một kết quả xấu xí.

Bạn muốn tặng một nhà vệ sinh, bố thí nước uống, hoặc trang trí một cây cột gần bảo tháp, thậm chí ngay cả khi đang dựng cột cho bảo tháp, bạn đang cố gắng chọn một hướng tốt. Bạn đang trở thành kẻ thù của giáo pháp vì vậy bạn nên lo lắng cho điều này. Nếu thân kiến chưa được xua tan, bất cứ điều gì được thực hiện, tất cả đều bị trộn lẫn với bất thiện. Các đốm đen lẫn trong một khung ảnh màu trắng không thể là một khung ảnh đẹp. Kết quả bạn nhận được không thể trong sạch và thanh tịnh, bởi vì phước thiện đã bị trộn lẫn với thân kiến. Sau đó bạn phàn nàn rằng kết quả không được như ý.

Bất cứ nơi nào tồn tại thân kiến thì không có cách nào đạt được Niết Bàn. Tại sao không thể đạt được Niết Bàn? Có phải vì bố thí (dāna) không? Bố thí có thể đưa bạn đến Niết Bàn nhưng thân kiến kéo bạn xuống. Giới (sīla) cũng có thể gửi bạn đến Niết Bàn nhưng thân kiến kéo bạn xuống. Bạn nói “tôi sẽ giữ các giới luật để sống lâu”. Muốn sống lâu thì chỉ cần sống lâu, không cần đến Niết Bàn. Không thể giác ngộ Niết Bàn chỉ bằng cách tuân thủ các giới luật.

Ai muốn sống lâu? Thân kiến trả lời tôi muốn sống lâu. Bất cứ điều gì bạn làm đều được trộn lẫn với tà kiến, khi bạn chuẩn bị đi lên thì nó kéo bạn đi xuống. Tôi không nói bố thí và giữ giới không đưa bạn tới đích, nhưng nếu có thân kiến ở đó bạn sẽ không bao giờ đến được đó. Chỉ khi thân kiến được xua tan, bất cứ điều gì bạn làm, bố thí, giữ giới, làm phước thiện sẽ được điều hành bởi trí tuệ, tà kiến được loại bỏ và chánh kiến sinh khởi.

Việc cần phải làm gấp là gì? Đó là thực hành vipassanā, sau đó mọi thứ sẽ dễ dàng. Thực hành vipassanā để làm gì? Để xua tan thân kiến. Khởi đầu của con đường dẫn đến Niết Bàn là vipassanā, nếu bạn không bắt đầu từ đây thì bạn sẽ ra đi. Chính Đức Phật đã nói với chúng ta điều này trong kinh Tương Ưng “katamo ca bhikkhave asankhatagami maggo”, giáo pháp chân chính chắc chắn sẽ đưa bạn đi trên con đường đến Niết Bàn. Câu trả lời là vipassanā, đây là con đường độc nhất dẫn đến Niết Bàn bởi vì nó xua tan thân kiến.

Bạn đã hiểu, điều quan trọng bây giờ là quan sát các uẩn như thế nào? Thực hành phải được thực hiện và không lùi bước. Bạn không cần phải tìm kiếm ở nơi khác, mở mắt và nhãn thức sinh khởi, quan sát sinh và diệt của nhãn thức. Lắng nghe, nhĩ thức sinh và diệt, biết điều này đang xua tan thân kiến. Ở mũi, bạn biết có mùi, quan sát sinh và diệt của tỷ thức. Ngứa ngáy trên cơ thể, quan sát sự sinh và diệt của ngứa. Khi có làn gió mát thổi vào cơ thể và cảm giác dễ chịu sinh khởi, hãy quan sát sinh và diệt của cảm giác dễ chịu tại nơi đó. Dễ chịu hay khó chịu, chỉ cần quan sát sự sinh khởi và diệt đi thì tà kiến được xua tan. Biết sinh khởi thì đoạn kiến bị xua tan, biết diệt đi thì thường kiến bị xua tan và rồi thân kiến cũng được xua tan.

Chúng ta đang nói về con đường dẫn đến Niết Bàn, con đường đó là gì? Đó là con đường minh sát, vipassanā. Tại sao minh sát tuệ dẫn đến Niết Bàn? Bởi vì nó xua tan thân kiến.

Nếu tà kiến có thể bị xua tan thì chánh kiến phát sinh tự động, và bạn không cần phải ao ước nó phát sinh. Chánh kiến biết rằng chỉ có sinh khởi và diệt đi, không có ‘tôi’ hay ‘người khác’, không có ‘con người’ hay ‘chúng sinh’. Khi chánh kiến xuất hiện bạn không cần phải mong muốn đạt được Niết Bàn. Vipassanā là con đường đích thực dẫn đến Niết Bàn. Do đó chánh kiến về vipassanā rất quan trọng.

Bạn muốn biết thực hành chánh kiến về vipassanā này trong bao lâu? Liên tục quan sát sinh và diệt của các uẩn từ lần này qua lần khác, cho đến khi bạn cảm thấy nhàm chán đối với các uẩn. Hãy quan sát sinh diệt nhiều hơn nữa để nhàm chán nhiều hơn, đây sẽ là nơi kết thúc của trí tuệ minh sát.

Thấy sinh diệt rồi chán ghét nó, bạn đi đến đoạn cuối của chánh kiến về vipassanā. Sau đó đến chánh kiến về đạo, magga sammādiṭṭhi, là chánh kiến về con đường dẫn đến diệt khổ. Magga sammādiṭṭhi là Bát Thánh Đạo và chánh kiến là lãnh đạo của tám chi đạo. Khác nhau giữa chánh kiến về vipassanā và chánh kiến về đạo là như thế nào? Vipassanā sammādiṭṭhi quan sát sự sinh diệt của các uẩn và có tiềm năng xua tan thân kiến. Sức mạnh của vipassanā sammādiṭṭhi kết thúc ở đó. Nhìn thấy sự sinh diệt của các uẩn và tà kiến được xua tan, đây là chức năng của vipassanā sammādiṭṭhi, đừng cho rằng đây là chánh kiến bình thường.

Chức năng của chánh kiến về đạo là gì? Nó cũng là chánh kiến (sammādiṭṭhi), sammā là đúng, diṭṭhi là nhìn nhận, xem xét, sammādiṭṭhi nghĩa là nhìn nhận đúng. Người này thấy như thế nào, người kia thấy ra sao? Nhưng với magga sammādiṭṭhi, sự sinh diệt của các uẩn không còn được nhìn thấy nữa và Niết Bàn xuất hiện, đây là chức năng của magga sammādiṭṭhi.

Sau khi chánh kiến về vipassanā kết thúc, chánh kiến về Đạo sinh khởi và được nắm giữ bởi trí tuệ. Các pháp sinh khởi và diệt đi giống như bánh xe quay tròn bị cắt đứt. Lúc này không còn thấy sinh diệt nữa, chúng bị bỏ lại và magga sammādiṭṭhi lấy Niết Bàn làm đối tượng.

Trí tuệ nhìn thấy Niết Bàn và không thấy sự sinh diệt của các uẩn là chánh kiến về Đạo. Magga sammādiṭṭhi không thấy sự sinh diệt. Nếu  còn thấy sinh diệt thì còn ở trong chánh kiến về vipassanā, thấy sinh diệt thì sẽ hướng sự chú ý đến các pháp có điều kiện. Niết Bàn là đối tượng (ārammaṇa paccayena) của Đạo tuệ, Niết Bàn có liên quan đến magga, magga nhìn thấy nibbāna và thấy sự diệt khổ. Đây là chánh kiến về Đạo dẫn đến diệt khổ, là trí tuệ nhìn thấy sự kết thúc của sinh diệt.

Kết thúc của sinh diệt là Niết Bàn, trí tuệ thấy được sự chấm dứt của sinh diệt magga sammādiṭṭhi, là con đường dẫn đến chấm dứt sự đau khổ. Không cần phải mong muốn đạt được Đạo tuệ, chỉ cần siêng năng thực hành vipassanā sammādiṭṭhi thì magga sammādiṭṭhi sẽ tự động đến. Chánh kiến về vipassanā là tiền thân của Đạo và Quả, chỉ có chánh kiến về vipassanā là quan trọng, những điều khác không quan trọng. Chỉ cần tiếp tục thực hành vipassanā. Bất cứ pháp nào sinh khởi bên trong, bất cứ tâm nào sinh khởi, chỉ cần liên tục quan sát về sự sinh và diệt của chúng. Vipassanā sammādiṭṭhi chỉ thấy sinh và diệt, đây là công việc duy nhất của nó. Khi quan sát đủ nhiều tà kiến sẽ tự động bị xua tan.

Chánh kiến về Đạo không thấy sinh khởi, không thấy đoạn diệt, chỉ thấy sự diệt vong của vòng tròn duyên sinh (vaṭṭa). Khi quan sát về sinh diệt, đến một thời điểm sinh diệt không còn được thấy nữa, bánh xe vipāka vaṭṭa đang quay vòng cũng biến mất. Vipāka vaṭṭa là các hiện tượng vật chất (rūpadhamma) và hiện tượng tinh thần (nāmadhamma) sinh khởi và diệt đi. Sinh diệt lặp đi lặp lại nên vipāka vaṭṭa lặp đi lặp lại. Khi magga sammādiṭṭhi sắp xuất hiện, bánh xe vipāka vaṭṭa này ngừng quay, và sinh diệt không còn được thấy nữa.

Đừng nghĩ Niết Bàn xuất hiện như một quả cầu sáng rực rỡ, đó chỉ là sự chấm dứt của sinh và diệt. Biết bản chất của sự chấm dứt là Đạo tuệ. Vipassanā sammādiṭṭhi chỉ thấy sinh và diệt của các uẩn, còn magga sammādiṭṭhi không thấy sinh và diệt nữa, thay vào đó là thấy Niết Bàn.

Để cho bạn hình dung rõ hơn, tôi sẽ đề cập đến kinh Mi Tiên Vấn Đáp (milindapañha). Mặc dù chánh kiến về vipassanā và chánh kiến về Đạo đều là chánh kiến nhưng chúng rất khác nhau. Vipassanā thấy đúng là một chuyện, magga sammādiṭṭhi thấy đúng là một chuyện khác. Vua Milinda là một ông vua rất thông thái, ngay cả các vị A La Hán cũng phải bỏ chạy vì không thể trả lời được các câu hỏi của vị  ấy.

Một ngày nọ ngài thánh tăng Nāgasena đáng kính đến, khi đó họ đã hoàn thành ước nguyện tương ứng của họ trong vòng sinh tử. Vua Milinda hỏi ngài Nāgasena “Hãy cho tôi biết Niết Bàn được nhìn thấy như thế nào? Thưa ngài Nāgasena đáng kính, tôi tin rằng ngài là một vị thánh tăng A La Hán và đã thấy Niết Bàn. Xin hãy cho tôi biết cách nhìn thấy Niết Bàn cùng với phương pháp tu tập”. Nếu ngài Thánh tăng không đưa ra câu trả lời, vua Milinda sẽ nói rằng không có Niết Bàn. Câu hỏi này có liên quan đến chánh kiến, chánh kiến về vipassanā và chánh kiến về Đạo.

Vua Milinda: Niết Bàn có tồn tại không?

Ngài Nāgasena: Có

Vua Milinda: Niết Bàn có trong quá khứ, hiện tại hay tương lai?

Ngài Nāgasena: Không có trong cả ba.

Vua Milinda: Nếu Niết Bàn không có trong bất kỳ thời nào thì nó không tồn tại.

Ngài Nāgasena: Nếu Niết Bàn ở trong quá khứ thì chỉ những người ở trong quá khứ mới có thể kinh nghiệm nó. Nếu ở trong tương lai thì chỉ những người trong tương lai mới có thể kinh nghiệm Niết Bàn và những người hiện tại sẽ chết trong vô vọng. Niết Bàn là kala vimutti, pháp vượt thời gian, không có thời gian, không có quá khứ, hiện tại hay tương lai, nhưng Niết Bàn tồn tại.

Lấy một ví dụ, chà xát hai que tre để có được lửa. Vậy ngọn lửa từ quá khứ, hiện tại hay tương lai? Trong que tre chỉ có tre, không có lửa. Trong tre không bao giờ có lửa, nhưng nỗ lực chà xát đã tạo ra lửa. Hai que tre được chà xát trong thời gian dài sẽ tạo ra lửa.

Cũng như vậy, thực hành vipassanā thì Niết Bàn sẽ xuất hiện, nhưng nó không có ở trong ba thời kỳ. Không thực hành, Niết Bàn sẽ không đến. Nếu bạn chỉ đi dâng hoa và nước cho tượng Phật rồi cầu nguyện “mong cho tôi đạt được Niết Bàn”, bạn sẽ không đạt được điều đó.

Que tre có tự động tạo ra lửa không, hay bạn phải chà xát chúng với nhau? Đặt những que tre xuống đất thì liệu lửa có bùng lên? Chỉ khi bạn chà xát chúng cho đến khi  đủ các điều kiện để chúng bốc cháy thì bạn mới có lửa. Tương tự như vậy, thực hành vipassanā sammādiṭṭhi và quan sát các hiện tượng sinh diệt cho đến khi sinh diệt chấm dứt thì Niết Bàn xuất hiện.

Chà xát hai que tre tạm thời chưa có lửa, lửa xuất hiện vì công sức của người chà tre. Đây là ngọn lửa không đến từ ba thời kỳ. Đối với vua của cõi Trời, phương tiện di chuyển của vị ấy không tự động xuất hiện. Vị vua ấy, mặc áo bào trắng, giữ gìn năm giới và phóng hào quang hướng đến tất cả, rồi cỗ xe xuất hiện trên bầu trời. Chỉ khi nhà vua thực hành các hạnh công đức thì cỗ xe mới xuất hiện.

Tương tự như vậy, thực hành pháp giúp bạn đến được Niết Bàn. Chỉ với mong ước Niết Bàn thì sẽ không có kết quả, chỉ khiến người khác mỉm cười. Hãy coi đó là điều đáng xấu hổ. Trước đây bạn không biết, bạn nghĩ rằng Niết Bàn là thứ có thể ước ao được. Bây giờ bạn biết rằng bạn phải thực hành.

Niết Bàn có tồn tại hay không? Nó ở đó. Với vipassanā sammādiṭṭhi, hãy luyện tập chăm chỉ và tinh tấn. Nỗ lực quan sát không ngừng nghỉ sự sinh diệt của các uẩn, đầu tiên quan sát về sự sinh diệt, sau đó trí tuệ hướng đến sự chấm dứt của sinh diệt. Lúc đầu là chánh kiến về vipassanā, sau đó được phát triển và hướng đến kết thúc sinh diệt, cuối cùng không còn sinh khởi, không còn đoạn diệt.

Từ sinh diệt hướng đến không sinh diệt, đây là sự giác ngộ Niết Bàn. Bạn phải nhớ rằng không có sinh diệt thì không có khổ đau. Diệt đế là Niết Bàn, Niết Bàn là một thị trấn, một thành phố hay là sự chấm dứt của sinh diệt? Biết sự chấm dứt của sinh diệt là Đạo tuệ, bạn phải thực hành để trí tuệ vipassanā phát triển lên tầm cao hơn.

Không cần phải suy đoán bạn đã đạt đến giai đoạn nào, điều này không giống như leo cầu thang. Khi bạn leo cầu thang, bạn nói rằng bạn đã đến bước thứ bảy hoặc thứ mười sáu. Nhưng đối với tuệ minh sát, bạn không thể phân biệt được chúng. Các tuệ minh sát được đề cập tới trong Vô Ngại Giải Đạo (paṭisambhidā) được ngài Sariputta miêu tả bằng bốn tuệ phân tích của ngài. Khi tuệ minh sát được phát triển đầy đủ, nó sẽ đột ngột chuyển hướng về Đạo tuệ, như ngài Nāgasena nói. Đối tượng của trí tuệ minh sát là sinh diệt, đối tượng của Đạo tuệ là sự biến mất của sinh diệt. Trong khi quan sát về sinh diệt, trí tuệ hướng đến nơi không có sinh diệt. Đây là tuệ minh sát tiến đến Đạo tuệ, đây là câu trả lời do ngài Nāgasena miêu tả cho đức vua Millinda.

Sư Chân Thiện dịch

Bài liên quan