Phần 1:
Sayadaw: Bạn tới đây để thực hành đúng không?
U Kyaw Thein: Vâng, thưa ngài. Con tới đây xin được hành thiền.
Sayadaw: Được thôi, nhưng bạn đã xin phép gia đình mình chưa?
U Kyaw Thein: Họ đã đồng ý, thưa ngài.
Sayadaw: Tại sao bạn muốn tới đây hành thiền?
U Kyaw Thein: Thưa ngài vì con muốn thoát khỏi đau khổ trong vòng luân hồi.
Sayadaw: Bạn đã có đủ niềm tin (saddha) mạnh mẽ để thực hành chưa?
U Kyaw Thein: Con có niềm tin, thưa ngài.
Sayadaw: Bạn đã có niềm tin, như vậy bạn biết rằng thật khó có cơ hội được sinh ra làm người trong thời kỳ có giáo pháp của Đức Phật, và thật hiếm hoi có cơ hội được thực hành vipassanā mà tôi sẽ hướng dẫn bạn. Bạn phải đức tin mạnh mẽ rằng thực hành vipassanā sẽ giúp bạn thoát khỏi mọi đau khổ trong vòng luân hồi: già, bệnh, chết cũng như những bất hạnh khác, nên bạn cần quyết tâm thực hành theo sự hướng dẫn một cách tỉ mỉ.
U Kyaw Thein: Vâng, thưa ngài.
Sayadaw: Bạn phải quyết định không suy nghĩ về gia đình và công việc. Hãy thử thoát khỏi những điều đó bằng trí tuệ.
U Kyaw Thein: Vâng, con sẽ từ bỏ những điều đó.
Sayadaw: Bạn phải thực hành dựa trên ba nguyên tắc chính
U Kyaw Thein: Vâng, thưa ngài. Ba nguyên tắc chính là gì ạ?
Sayadaw: Tôi sẽ nói cho bạn biết. Thứ nhất cần nhớ rằng bạn phải dựa vào chính mình, thực hành không phải vì kế sinh nhai của bạn, mà là để giải thoát khỏi đau khổ của tuổi già, bệnh tật, cái chết và những điều bất thiện. Đây là Attadipadhi (nguyên tắc tự lực).
U Kyaw Thein: Vâng, thưa ngài.
Sayadaw: Nguyên tắc thứ hai, bạn phải coi hành thiền là toàn bộ cuộc sống. Bạn không được giả vờ ngồi thiền rồi lang thang suy nghĩ về những vấn đề trong cuộc sống. Đừng lười biếng, thờ ơ, buồn ngủ và đừng để tâm trí đi lang thang. Đừng làm bất cứ điều gì không phù hợp với Chư Thiên hộ trì của bạn, vì các Chư Thiên hay những người có thần thông (abhiññā) đều biết tâm bạn. Vì vậy, phải biết xấu hổ về bản thân nếu tâm bạn không tốt đẹp.
U Kyaw Thein: Vâng, thưa ngài.
Sayadaw: Bạn phải coi giáo pháp là nguyên tắc thứ ba. Bạn phải kính trọng giáo pháp và cố gắng để kinh nghiệm trí tuệ minh sát (vipassanā ñāṇa) một cách trực tiếp. Bạn phải hiểu rằng nếu chưa giác ngộ thì không phải là không có giáo pháp, mà là lỗi của bạn khi bạn đã không tôn trọng nguyên tắc giáo pháp. Bạn phải quyết định đặt niềm tin vào giáo pháp và nỗ lực hết khả năng của mình.
U Kyaw Thein: Vâng, thưa ngài. Nếu con thực hành theo ba nguyên tắc này thì con có thể giác ngộ ngay trong kiếp sống này không ạ?
Sayadaw: Bạn có bị phạm vào năm trọng nghiệp không? Bạn đã giết một vị thánh A-la-hán?
U Kyaw Thein: Không, thưa ngài.
Sayadaw: Bạn đã giết bố hoặc mẹ của mình?
U Kyaw Thein: Không, thưa ngài.
Sayadaw: Bạn đã gây chia rẽ tăng đoàn?
U Kyaw Thein: Không, thưa ngài.
Sayadaw: Được rồi, tôi sẽ không hỏi bạn rằng bạn có gây ra bất kỳ tổn hại nào về thể chất cho Đức Phật hay không vì điều đó bây giờ không còn nữa. Nếu bạn không phạm bất kỳ tội lỗi nào trong số này, chỉ cần cố gắng hết sức trong việc thực hành. Chỉ mất bảy năm đối với những người chậm lụt, trung bình là bảy tháng và bảy ngày đối với những người nhanh trí thực hành đúng đắn. Niết Bàn sẽ không xảy ra nếu không thực hành. Bạn phải làm việc chăm chỉ với niềm tin (saddha), chánh niệm (sati), nỗ lực (viriya), sự tập trung (samādhi) và trí tuệ (paññā).
U Kyaw Thein: Vâng thưa ngài. Con sẽ thực hành chăm chỉ theo sự hướng dẫn của ngài.
Sayadaw: Bây giờ bạn cần thọ trì tám giới.
(Sau khi thọ tám giới: không sát sinh; không trộm cắp; không hành dâm; không nói dối; không uống rượu và các chất say; không dùng thức ăn phi thời; không sử dụng nước hoa, mỹ phẩm, đồ trang điểm, không múa hát, âm nhạc và khiêu vũ, và không nằm ngồi nơi quá cao và quá xinh đẹp)
Sayadaw: Bây giờ bạn cần thực hiện năm phận sự (pubbakicca) trước khi thực hành.
Thứ nhất hãy cúng dường thân tâm mình cho Đức Phật.
Thứ hai, mong cầu sự tha thứ nếu bạn có bất cứ hành động, lời nói hoặc suy nghĩ sai trái nào đối với cha mẹ hay những người thánh thiện.
Thứ ba, rải tâm từ đến với tất cả chúng sinh bao gồm chư thiên hộ trì cho bạn, những người trông coi tài sản giúp bạn, những người sống trong cùng thành phố và trong vòng luân hồi.
Thứ tư, nguyện ước cho tất cả những phước thiện mà bạn đã đạt được trong kiếp này và trong những kiếp quá khứ là nhân dẫn đến giác ngộ.
Thứ năm, quán tưởng về cái chết (maraṇānussati) bằng cách nghĩ rằng bạn đã chết vô số lần trong quá khứ không thể đếm được và bạn sẽ tiếp tục phải chết vào một ngày nào đó. Cố gắng nhận ra và thuyết phục bản thân rằng bạn phải làm việc chăm chỉ trước khi cái chết đến, để từ đó phát triển nỗ lực và năng lượng trong khi thực hành. Bạn có hiểu không?
U Kyaw Thein: Vâng, thưa ngài.
Sayadaw: Bạn có hiểu về sự khác nhau giữa danh (nāma) và sắc (rūpa) không?
U Kyaw Thein: Con chỉ biết về mặt lý thuyết, thưa ngài.
Sayadaw: Được rồi, tôi sẽ nói cho bạn biết. Khi bạn nhìn một đối tượng thì con mắt và cảnh sắc đó là sắc (rūpa), còn hình ảnh xuất hiện trong tâm là danh (nāma). Tương tự như vậy với tai, mũi, lưỡi, thân và đối tượng của chúng là sắc (rūpa), còn những cảm giác được hình thành bởi sự tiếp xúc của chúng với các đối tượng là danh (nāma).
U Kyaw Thein: Vâng thưa ngài.
Sayadaw: Đầu tiên bạn nhận biết và phân biệt được sự khác nhau giữa danh (nāma) và sắc (rūpa) khi các căn và đối tượng tiếp xúc với nhau trong hiện tại. Đây gọi là tuệ phân biệt danh sắc (nāma-rūpa-pariccheda-ñāṇa).
Tiếp theo bạn nhận ra ba đặc tính của tất cả các hiện tượng là vô thường (anicca), khổ (dukkha) và vô ngã (anatta) trong hiện tại. Đây gọi là tuệ tam tướng.
Cuối cùng bạn phải nhận ra rằng các cảm giác hiện tại trên thân này không phải là của bạn, tâm này cũng không phải là của bạn để thoát khỏi tham ái (taṇhā), ngã mạn (māna), sự thiếu hiểu biết (moha) và tà kiến (ditthi) cho rằng thức giống như linh hồn của bạn. Đây gọi là Pahanaparinana.
U Kyaw Thein: Vâng thưa ngài.
Sayadaw: Bạn phải có khả năng phân biệt giữa danh và sắc. Đừng đi theo con đường thiền chỉ, nếu một thiền sinh muốn vượt qua sự sống và cái chết để được thức tỉnh, thiền sinh đó chỉ cần tập trung tâm phát triển thiền định ở mức vừa đủ. Sau đó anh ta phải chuyển sang thực hành vipassanā.
U Kyaw Thein: Vâng thưa ngài.
Sayadaw: Chuyển sang vipassanā cũng giống như đầu máy tàu hoả thay đổi từ đường ray này sang đường ray khác. Tương tự như vậy, tâm quan sát được chuyển từ thiền chỉ sang hiện tượng sinh và diệt của danh sắc hiện tại và điều này được dẫn dắt bởi tâm.
U Kyaw Thein: Vâng thưa ngài.
Sayadaw: Đầu tiên bạn thực hành chánh niệm trên hơi thở (ānāpāna). Quan sát hơi thở ra và hơi thở vào. Hãy để cho hơi thở được diễn ra bình thường và đầy đủ, không được làm cho hơi thở mạnh lên hay nhẹ đi, chỉ cần hít vào thở ra một cách đều đặn.
U Kyaw Thein: Vâng thưa ngài.
Sayadaw: Bạn có thể tập trung tâm ở phía trên môi trên nhưng tốt hơn là ở chóp mũi. Dù bạn có chọn chú tâm tại vị trí nào thì bạn vẫn phải cố gắng chánh niệm trên đó một cách liên tục.
U Kyaw Thein: Vâng thưa ngài.
Sayadaw: Ānāpānasati là chánh niệm trên hơi thở vào và hơi thở ra. Một thiền sinh thực hành ānāpānasati sẽ cố định tâm chánh niệm một cách mạnh mẽ trên chóp mũi trong khi hơi thở ra vào đều đặn, bình thường. Đầu tiên hãy tập trung tâm vào chóp mũi và quan sát hơi thở đi ra đi vào.
U Kyaw Thein: Vâng thưa ngài.
Sayadaw: Ngoài chánh niệm trên sự tiếp xúc của không khí ra vào thì thiền sinh không được chuyển hướng sự chú ý của mình sang bất kỳ đối tượng nào khác.
U Kyaw Thein: Vâng thưa ngài.
Sayadaw: Thiền sinh đã có định tâm khi thực hành ānāpāna phải biết rằng thân này không phải là ‘tôi, bạn, người nam hay người nữ’, mà đó chỉ là tập hợp của danh pháp (nāma) và sắc pháp (rūpa), hay là tập hợp của năm uẩn (khandha). Sau đó thiền sinh phải nhận ra rằng tâm cái mà đang nhận biết kiến thức này là danh. Tâm này nằm trên tim. Thân vật lý đang ngồi hành thiền là sắc. Bạn sẽ nhận ra thực tế này bằng kinh nghiệm trực tiếp.
Sau khi phân biệt được sự khác nhau giữa danh và sắc, bạn phải biết rằng tập hợp của 24 sắc pháp là sắc uẩn (rūpakkhandha). Yếu tố nhận biết đối tượng gọi là thức uẩn (viññānakkhandha). Cảm thọ liên kết với tâm khi được cảm nhận là thọ uẩn (vedanākkhandha). Nhận biết các cảm giác cái mà liên kết với tâm là tưởng uẩn (saññākkhandha). Năm mươi tâm sở khác của danh pháp, bao gồm tất cả các tâm sở ngoại trừ thọ và tưởng được gọi là hành uẩn (saṅkhārakkhandha). Tôi sẽ giải thích thêm cách sử dụng paṭiccasamuppāda để phân biệt mối quan hệ giữa nguyên nhân và kết quả vì có thể bạn chưa hiểu kỹ.
U Kyaw Thein: Vâng, con ngày càng hiểu rõ ràng hơn qua lời giải thích của ngài.
Sayadaw: Đúng vậy, tốt hơn là thiền sinh nên biết những điều cơ bản trước khi đi vào các khía cạnh thực tế.
U Kyaw Thein: Vâng thưa ngài.
Sayadaw: Sau khi biết về năm uẩn (khandha) bạn phải biết về vô minh (avijja) và tham ái (taṇhā), chúng chính là nguyên nhân của danh (nāma) và sắc (rūpa).
U Kyaw Thein: Vâng thưa ngài.
Sayadaw: Bây giờ bạn lặp lại những gì tôi đã nói để xin phương pháp thực hành: Kính bạch đại đức, vì lòng bi mẫn xin ngài hãy chỉ dạy cho con phương pháp thực hành để thoát khỏi mọi đau khổ trong vòng luân hồi. Lặp lại điều này ba lần. Bây giờ hãy đi và thực hành trong một giờ về những gì tôi vừa dạy cho bạn.
U Kyaw Thein: Vâng thưa ngài.