HomeMahatheraSayadaw MogokSayadaw Mogok hướng dẫn thực hành vipassana p2

Sayadaw Mogok hướng dẫn thực hành vipassana p2

Phần 2:

Sayadaw: Bạn có thực hành theo những gì tôi hướng dẫn không?

U Kyaw Thein: Con đã tập trung tâm tại xương ức, thưa ngài.

Sayadaw: Tâm có duy trì được trên đó không?

U Kyaw Thein: Ban đầu thì không nhưng sau đó có thể duy trì được trên đó.

Sayadaw: Nếu bạn không kiên trì, bạn không thể có được sự định tâm chỉ sau một giờ thực hành ānāpāna. Đó là tinh tấn (viriya) và với tinh tấn này, bạn đã ngồi được cả tiếng đồng hồ. Đây được gọi là sammā vāyāma, chánh tinh tấn.

U Kyaw Thein: Vâng thưa ngài.

Sayadaw: Bạn có thấy sự chuyển động của không khí ở xương ức khi bạn thở không?

U Kyaw Thein: Có, thưa ngài.

Sayadaw: Đúng vậy, bạn nhận thấy sự chuyển động của không khí khi bạn có chánh niệm. Đây là gọi là sammā-sati, chánh niệm.

U Kyaw Thein: Vâng thưa ngài.  

Sayadaw: Khi bạn đang thực hành ānāpāna, tâm có đi lang thang về nhà của mình không hay nó đã đi đâu?

U Kyaw Thein: Không thưa ngài. Tâm không đi đâu cả mà được duy trì ở xương ức.

Sayadaw: Đúng vậy, đó là sự tập chung đúng đắn, gọi là chánh định sammā samādhi. Tâm bạn được duy trì tại một vị trí.

U Kyaw Thein: Vâng thưa ngài.

Sayadaw: Được rồi, bạn đã phát triển được định tâm samādhi. Tuy nhiên, bạn cần phát triển định tâm hơn nữa bằng cách thở bằng mũi, chứ không phải bằng miệng. Khi thở đừng để ý xem bạn đang thở bằng lỗ mũi bên phải hay bên trái, mà hãy cố gắng phát triển samādhi. Bạn không cần phải làm theo các phương pháp thiền chỉ (samatha) khác. Nếu thở bằng mũi, bạn phải biết rằng đang thở qua mũi và nếu bạn thở sâu, biết rằng bạn đang thở sâu.

U Kyaw Thein: Vâng, thưa ngài.

Sayadaw: Ban đầu, bạn để tâm trí ở xương ức. Bây giờ bạn phải quan sát không khí chạm vào lỗ mũi, xương ức và rốn trong khi bạn thở vào và thở ra.

U Kyaw Thein: Vâng thưa ngài

Sayadaw: Bạn nhận thấy không khí đi ra đi vào như thể thông qua ống thổi hay tương tự như một chiếc giũa máy tiện cọ xát với thanh tiện, bạn cần liên tục theo dõi tại chỗ tiếp xúc của không khí với lỗ mũi. Bạn phải chú ý khi nào hơi thở nhanh hơn, khi nào hơi thở chậm lại, khi nào hơi thở dài, khi nào hơi thở ngắn. Tuy nhiên, bạn đừng đi theo hơi thở, chỉ cần quan sát tại điểm tiếp xúc. Tương tự như đang cưa một khúc gỗ, chỉ cần tập trung tại điểm tiếp xúc của cưa và khúc gỗ mà không để tâm chạy dọc theo mép cưa. Hãy tập trung tâm vào điểm tiếp xúc của không khí với lỗ mũi

U Kyaw Thein: Vâng thưa ngài.

Sayadaw: Nếu bạn thực hành theo cách này và chú tâm, bạn có thể phát triển định tâm trong vòng mười lăm phút khi bạn đã quen với hơi thở.

U Kyaw Thein: Vâng thưa ngài.

Sayadaw: Hơi thở chính là sắc pháp (rūpa) và tâm nhận biết hơi thở là danh pháp (nāma). Khi trí tuệ có thể phân biệt giữa nāma và rūpa, gọi là tuệ phân biệt danh sắc (nāma-rūpa-pariccheda-ñāṇa). Khi đó chánh kiến cũng được sinh khởi đồng thời, được gọi là kiến tịnh (ditthi visuddhi). Hãy nhớ kỹ điều này.

U Kyaw Thein: Vâng thưa ngài.

Sayadaw: Khi hành thiền bạn phải biết rằng danh pháp được cấu thành bởi hai yếu tố chính là tâm (citta) và tâm sở (cetasika). Tâm sở phải phù hợp với tâm khi bạn quán sát, đừng để tâm và tâm sở rời nhau.

U Kyaw Thein: Vâng thưa ngài.

Sayadaw: Đừng nghĩ về bất cứ điều gì trong khi thực hành, đừng để bất kỳ suy nghĩ nào xuất hiện trong đầu. Nếu làm chủ được tâm bạn sẽ loại bỏ được phiền não (kilesa). Ngược lại bạn sẽ không thành công trong cuộc sống cũng như không thể tiêu diệt được1500 kilesa.

U Kyaw Thein: Vâng thưa ngài.

Sayadaw: Tôi sẽ cho bạn một ví dụ về cách làm chủ tâm trí. Giống như một người huấn luyện bò muốn thuần hóa một con bò, anh ta cần phải cắm một cột trụ chắc chắn vào đất, tiếp đó sử dụng một sợi dây buộc vào mũi của con bò, rồi buộc đầu còn lại của sợi dây đó vào cột trụ và thuần hóa nó. Tương tự như vậy, bạn phải chế ngự tâm trí của mình bằng cách cố định tâm vào sợi dây chánh niệm (sati) và buộc nó vào cột trụ chính là đối tượng của tâm chánh niệm trong khi thực hành. Bạn có hiểu không?

U Kyaw Thein: Vâng thưa ngài.

Sayadaw: Tôi có một ví dụ khác. Nếu bạn muốn bắt một con thằn lằn đã chui vào cái hang có sáu lỗ, bạn cần phải đóng năm lỗ và đợi ở lỗ thứ sáu. Tương tự như vậy bạn đóng tất cả năm cánh cửa giác quan đó là mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, rồi chờ đợi ở cánh cửa cuối cùng, đó là tâm của bạn. Bạn chắc chắn sẽ nắm bắt được khi nó xảy ra, giống như bạn bắt được con thằn lằn. Bạn đã rõ chưa?

U Kyaw Thein: Con đã rõ thưa ngài.

Sayadaw: Được rồi, để chúng sang một bên và tiếp tục thực hành để phát triển khả năng định tâm hơn nữa. Sau đó, bạn có thể đi ngủ.

U Kyaw Thein: Vâng thưa ngài.

…Tiếp tục:

Sayadaw: Bạn bắt đầu hành thiền vào lúc nào đêm qua và dừng lại khi nào?

U Kyaw Thein: Con bắt đầu ngồi thiền lúc 11 giờ 30 tối và dừng lại lúc 1 giờ sáng, thưa ngài.

Sayadaw: Sự định tâm của bạn như thế nào?

U Kyaw Thein: Con có thể đạt được định tâm nhưng con đã không có định, thưa ngài.

Sayadaw: Tại sao vậy?

U Kyaw Thein: Con phải thừa nhận rằng con cảm thấy buồn ngủ thưa ngài.

Sayadaw: Thật là xấu hổ, đó là do cơn buồn ngủ vượt quá sự nỗ lực của bạn. Bạn đã duy trì thiền trong tư thế ngồi của quá lâu. Nếu cảm thấy buồn ngủ bạn nên thay đổi oai nghi, chuyển qua đi kinh hành.

U Kyaw Thein: Vâng thưa ngài.

Sayadaw: Đối với người mới thực hành thì có thể thay đổi tư thế nếu cơn buồn ngủ đến. Khi có nhiều kinh nghiệm hơn bạn không cần thay đổi tư thế khi cảm thấy buồn ngủ.

U Kyaw Thein: Con sẽ làm như thế nào thưa ngài? Con không biết làm thế nào để tránh khỏi cơn buồn ngủ mà không cần thay đổi tư thế.

Sayadaw: Khi bạn buồn ngủ, hơi thở của bạn như thế nào? Nó nhanh hơn hơn hay chậm hơn?

U Kyaw Thein: Nó chậm và nông, thưa ngài.

Sayadaw: Đúng vậy, hơi thở sẽ chậm hơn và bạn cảm thấy buồn ngủ. Chánh niệm của bạn lúc đó như thế nào?

U Kyaw Thein: Nó thật yếu ớt và sau đó bị mất chánh niệm, thưa ngài.

Sayadaw: Như đã đề cập trong kinh Đại Niệm Xứ (Mahasatipatthana sutta) một thiền sinh  thực hành ānāpāna phải thở vào thở ra với chánh niệm. Nhưng bạn đã mất chánh niệm, bạn không được để mất chánh niệm.

U Kyaw Thein: Con thừa nhận là đã mất chánh niệm, thưa ngài.

Sayadaw: Ngay khi cơn buồn ngủ đến hãy hít vào thật sâu và sau đó thở ra hoàn toàn, khi nhịp thở trở nên chậm hơn cần điều chỉnh lại hơi thở để cho tỉnh táo. Nếu bạn không chú ý ngay khi hơi thở vừa chậm lại, bạn có thể đi vào cơn buồn ngủ và nhanh chóng trở nên buồn ngủ. Đừng bao giờ để mất chánh niệm. Nếu thở hoàn toàn theo cách này trong mười đến mười lăm phút bạn có thể tỉnh táo trở lại.

U Kyaw Thein: Vâng thưa ngài, bây giờ con đã hiểu.

Sayadaw: Một điều nữa là khi tức giận, bạn sẽ thở mạnh hơn, dồn dập hơn đúng không?

U Kyaw Thein: Vâng, thưa ngài.

Sayadaw: Đúng vậy, nhưng tại sao hơi thở lại trở nên dồn dập và mạnh hơn?

U Kyaw Thein: Con không biết, thưa ngài.

Sayadaw: Hãy ghi nhớ điều này. Khi bạn tức giận máu trong tim đỏ tươi và nóng. Khi tim cần đập nhanh hơn, nó cần nhiều năng lượng hơn và bạn phải thở nhanh hơn nhiều. Do đó, máu trở nên đỏ hơn và nóng hơn do tăng lưu lượng và cường độ.

U Kyaw Thein: Vâng thưa ngài.

Sayadaw: Sau cơn tức giận, bạn có cảm thấy cơ thể mình mệt mỏi không?

U Kyaw Thein: Đúng vậy, thưa ngài.

Sayadaw: Tại sao vậy?

U Kyaw Thein: Con không biết, thưa ngài.

Sayadaw: Vì trong lúc tức giận bạn không nhận thức được tim đập nhanh hơn. Chỉ sau khi nó xảy ra, bạn mới biết về tình hình và trở nên mệt mỏi.

U Kyaw Thein: Chính xác thưa ngài, con có kinh nghiệm về chuyện này.

Sayadaw: Đôi khi bạn bị lòng tham hoặc dục vọng cuốn đi, bạn nói rằng không có thời gian để trở nên mệt mỏi, phải không?

U Kyaw Thein: Vâng, thưa ngài.

Sayadaw: Đó là bạn đã chạy theo ham muốn của mình thay vì lý trí.

U Kyaw Thein: Vâng thưa ngài.

Sayadaw: Khi thiền ānāpāna, bạn phải thư giãn cơ thể và cơ bắp. Chỉ khi đó bạn mới có thể thở đều đặn và chính xác. Đức Phật dạy rằng bạn phải thở không chậm cũng không nhanh, không nông cũng không sâu, nhưng thường xuyên, đều đặn.

U Kyaw Thein: Vâng thưa ngài, con sẽ làm theo hướng dẫn của ngài, nhưng con phải chú ý hơn vào điều gì?

Sayadaw: Bạn nhớ kỹ điều này. Chánh niệm (sati) là không bao giờ thừa. Đức tin (saddha), tinh tấn (viriya),  định tâm (samādhi) và trí tuệ (paññā) phải được phát triển đồng thời. Nếu chúng không được phát triển chúng đồng thời và quân bình, dẫn đến kết quả là sự mất tập trung (uddhacca), lười biếng (hina) và uể oải (middha). Hiện tại, bạn đã được hướng dẫn thiền chỉ để phát triển định tâm. Đừng để nó trộn lẫn với bất cứ thứ gì khác!

U Kyaw Thein: Vâng thưa ngài.

Bài liên quan