HomeDhammasSammaditthiTà kiến: thường kiến và đoạn kiến

Tà kiến: thường kiến và đoạn kiến

  • Quan điểm về thuyết vĩnh cửu hay còn gọi là thường kiến (sassata-diṭṭhi) là muốn hưởng thụ trong kiếp sống kế tiếp, sau kiếp sống này. Họ sẽ nhận được điều đó nếu họ thực hiện nó. Những người này sẽ đi tới kiếp sau và thích thú trong kết quả của thường kiến. Sau khi bạn làm xong thì không còn gì xảy ra nữa, và coi đó chỉ là các chức năng (kiriya matta). Đây là quan điểm về thuyết đoạn diệt, hay còn gọi là đoạn kiến (uccheda-diṭṭhi). Quan điểm này cho rằng không có bất kỳ sự kết nối nào.

Mỗi người đều có quan điểm riêng của chính mình. Người thường kiến không thể nhận ra Niết Bàn nhưng có thể đi tới nơi tái sinh tốt đẹp (sugati). Người đoạn kiến thì thậm chí còn không thể đi tới nơi tốt đẹp mà chỉ dẫn đến các cảnh khổ (apāya bhūmi). Bạn không thể nhận ra Niết Bàn nếu bạn không từ bỏ các tà kiến, thậm chí ngay cả khi bạn thực hành. Chúng ngăn cản trí tuệ về Đạo (magga-ñāṇa) và Quả (phala-ñāṇa). Nếu dạy pháp Niết Bàn cho những người tin vào thường kiến thì họ sẽ không thích. Họ thích ẩn mình trong vòng quay của sự tồn tại, không muốn nghe về sự kết thúc của cuộc sống vì muốn nhận ra Niết Bàn một cách chậm rãi.

Một số người rất nghèo với nhiều đau khổ, buồn phiền trong cuộc sống, họ tin rằng cái chết là giải pháp duy nhất cho họ. Triết lý của họ là sinh ra một lần, chết đi một lần và mong muốn chấm dứt sự sống. Đây là những người tin vào đoạn kiến, họ muốn lắng nghe về sự chấm dứt cuộc sống.

Tất cả những người này đều có quan điểm sai trái, bị dẫn dắt bởi tà kiến. Thường kiến không thích Niết Bàn vì tham ái trong sự hiện hữu (bhavataṇha). Hiểu biết sai đang ngăn cản họ nhận ra điều đó. Họ thích nghe những bài kinh giảng về tận hưởng cuộc sống. Đối với những người đoạn kiến, khi họ nghe pháp vipassanā, họ thích sự chấm dứt cuộc sống nhưng không hiểu về sự chấm dứt của khổ. Tất cả họ đều không đi theo con đường Trung Đạo, đều bị nghiêng về một trong hai cực đoan, hoặc là vĩnh cửu, hoặc là huỷ diệt.

Tôi sẽ nói về bản chất của họ. Người thường kiến tin vào hành động thiện và tránh xa các hành động bất thiện trong đời này và đời sau. Thật là khó để vượt qua khổ đối với họ, thậm chí ngay cả khi Đức Phật và các đệ tử của Ngài dạy họ về sự thật, bởi vì họ thích thú trong sự hiện hữu và trở thành.

Người đoạn kiến tin trong kiếp này và chuẩn bị để chấm dứt cuộc sống. Họ không làm các việc thiện, ngược lại họ dám làm các việc bất thiện. Nhưng họ có thể nhanh chóng từ bỏ tà kiến của mình nếu có cơ hội nghe những lời dạy của Đức Phật hoặc các đệ tử của Ngài. Sau đó họ sẽ nỗ lực thực hành để chứng ngộ Niết Bàn một cách nhanh chóng.

Những người đi trên con đường Trung Đạo thì biết rằng đó chỉ là năm uẩn với bản chất vô thường, khổ, vô ngã và bất tịnh. Bản chất của chúng chỉ là khổ. Bằng việc phân tích các uẩn với lý thuyết và thực hành bạn sẽ nhìn thấy chúng đến và đi như các bong bóng nước. Nhìn thấy các pháp sinh khởi thì sẽ thoát khỏi niềm tin đoạn kiến và nhìn thấy các pháp diệt đi thì thoát khỏi niềm tin vào thường kiến. Người đi theo con đường Trung Đạo thoát khỏi cả hai cực đoan của tà kiến. Người này không chấp nhận quan điểm về thường kiến và đoạn kiến. Trong thế giới hiện hữu chỉ có các pháp sinh khởi và pháp diệt đi, không có hiện tượng trường tồn vĩnh cửu hay đoạn diệt hoàn toàn. Trước đây mọi người có quan điểm thường kiến vì không nhìn thấy các pháp biến mất, và những người có quan điểm đoạn kiến vì không nhìn thấy các pháp sinh khởi. Họ không có những thông tin chi tiết như thế này trước đây. Do đó khi thực hành và nhận ra vô thường họ sẽ đi trên con đường Trung Đạo.

Bạn thử lấy móng tay cào lên cánh tay, bạn sẽ thấy các cảm giác xuất hiện rồi biến mất. Đối tượng của quan sát là vô thường và tâm quan sát, nhận biết đối tượng đó cũng vô thường. Đây là lý do chính tại sao tôi dạy các bạn về những điều này trong nhiều năm qua.

Tà kiến đến từ điên đảo (vipallāsa), những quan điểm sai lầm và niềm tin sai lầm đến từ sự điên đảo. Một số người tin vào thường kiến đang cố gắng tận hưởng cuộc sống, nên họ không thích Niết Bàn và ở rất xa Niết Bàn. Những người tin vào đoạn kiến mong muốn không còn gì xảy ra nữa, tin rằng sinh ra một lần và chết đi một lần duy nhất trong đời, nên họ đánh giá cao Niết Bàn. Tôi kêu gọi những người có quan điểm sai lầm này phải tự mình thực hành để tìm ra sự thật.

Sự thật và hiểu biết phải phù hợp với nhau. Trên thân này, bất cứ lúc nào bạn quan sát, cũng chỉ tồn tại vô thường, khổ, vô ngã. Nếu sự thật về thân này và sự hiểu biết trên tâm khăng khít với nhau, thì sẽ trở thành cakkhumanto ca passanti, người với cặp mắt có thể nhìn thấy điều đó.

Nếu bạn sinh ra bị mù loà thì cũng chết đi với mù loà. Đây là điều được nói bởi Đức Phật trong udāna pali. Phần lớn mọi người chết mà không nhận ra vô thường, họ chỉ biết sinh ra một lần rồi chết đi một lần trong đời sống. Những người này sinh trong bóng tối và chết trong bóng tối. Cơ thể này tồn tại như những hiện tượng vô thường và không nhìn thấy điều đó nghĩa là bị mù loà. Luôn coi những thứ không tồn tại thành ‘thân tôi, con trai của tôi, vợ tôi’ tức là bị điên. Vì vậy, đừng muốn trở thành xác chết điên khùng và mù loà.

Kẻ điên và người mù đều phải chịu đựng trong các cảnh khổ và chìm xuống dưới địa ngục trần gian. Con người chỉ coi trọng hình thức bên ngoài nhưng không biết điều gì xảy ra bên trong, cho đến cuối cuộc đời họ chết giống như kẻ điên và người mù. Thậm chí nếu bạn là người nhị nhân (dvihetukapuggala), bằng nỗ lực thực hành và nhận ra được vô thường, bạn sẽ kết thúc mục tiêu trong đời sống kế tiếp. Ngược lại không thực hành thì kiếp tới bạn sẽ tiếp tục tái sinh vào bóng tối và chết trong bóng tối. Bạn không chỉ sống trong bóng tối mà còn bị điên. Nếu không chữa khỏi chứng mù loà và điên khùng, thì thậm chí một vị Phạm thiên có thể trở thành một con lợn và một bậc Chuyển Luân Thánh Vương có thể trở thành một con chó, bởi vì bất cứ điều gì cũng có thể xảy ra trong thế giới này. Mọi thứ đều có thể xảy ra, ngoại trừ Niết Bàn, bởi vì vòng luân hồi dài vô tận đối với tất cả chúng sinh.

Những người không đi trên con đường Trung Đạo đang bước đi ngẫu nhiên và theo cách cực đoan. Cả hai cực đoan đều không thoát khỏi già, bệnh, chết, cũng như không thể tìm thấy con đường tự do. Nếu không chữa trị thì người mù và kẻ điên sẽ không bao giờ đi trên con đường Trung Đạo. Chúng sinh đang di chuyển giống như những con giun. Một con gà đang đợi ở phía trước mặt nó, nhưng con giun không biết về điều đó và vẫn đang di chuyển hướng về phía con gà. Do đó con giun trở thành thức ăn cho con gà. Theo cách tương tự, chúng sinh bị Thần Chết ăn thịt. Bạn có thể mỉm cười khi bạn đi trên con đường Trung Đạo. Bạn có thể mỉm cười sau khi nhìn thấy vô thường, chán nản, và kết thúc các hiện tượng có điều kiện. Không có những điều này thì chỉ là nụ cười của những kẻ mù quáng và điên khùng.

Kiến điên đảo (diṭṭhi vipallāsa) chế ngự các bạn và hướng các bạn đến con đường chết. Nếu bạn nhìn với trí tuệ thì sẽ thấy các uẩn này chết vô số lần trong một ngày. Nếu ai đó trở thành thánh Nhập Dòng (sotāpanna) thì Đức Phật gọi người đó là āloko udapādi, người đạt được ánh sáng trí tuệ. Có được ánh sáng khi nhận được hạt giống của Đạo Tuệ. Sau khi nhận ra vô thường, bạn sẽ có được trí tuệ phù hợp với chân lý (sacca anulomika ñāṇa) và khi trí tuệ lớn mạnh sẽ nhìn thấy sự thật về khổ. Thật khó để nói cho mọi người trân trọng những điều này vì họ chỉ thích tái sinh trong những cảnh giới tốt đẹp. Nếu bạn nhìn thấy vô thường, thì bạn đang đi trên con đường Trung Đạo. Nhận ra vô thường và trở thành hạt giống của bậc thánh nhân (ariya). Phần lớn con người tái sinh làm súc vật trong nhiều tiền kiếp bởi vì sự tồn tại của con người là rất khó có được. Vì vậy các bạn phải chán gét và ghê tởm các uẩn này.

Đức Phật đã giải thích tính cách của người mù và kẻ điên. Người nắm giữ thường kiến tin vào kiếp sống kế tiếp là kết quả của thiện và ác, những người này thích làm điều thiện và sợ điều ác. Các bạn sẽ nghĩ rằng điều đó giống người có giới đức. Tuy nhiên nếu gặp được một vị thầy tốt, người ấy vẫn dời xa việc thực hành để nhận ra Niết Bàn, thậm chí nếu gặp được Đức Phật họ vẫn không chịu thực hành cũng như không từ bỏ quan điểm của mình. Lỗi của họ tuy nhỏ nhưng thật khó để vượt qua khổ. Họ rất miễn cưỡng cắt bỏ quá trình của các uẩn và không muốn từ bỏ dục lạc ngũ trần. Họ là những người có bản chất hiền lành, giả vờ là người đạo đức và không muốn thoát khỏi vòng tròn sinh tử (vaṭṭa). Do đó rất khó để giúp họ giải thoát. Đây là một niềm tin sai lầm và tinh vi, giống như rất khó để cạo tóc trên đầu của một đứa bé.

Người đoạn kiến thì mắc lỗi nặng, nhưng họ dễ dàng từ bỏ quan điểm của mình. Họ tin vào cuộc sống, không muốn trau dồi những hành động lành mạnh nhưng có thể làm điều bất thiện. Tuy nhiên họ dễ dàng vượt qua đau khổ nếu họ lắng nghe các bài thuyết giảng và có niềm tin vào đó.

Điều khó khăn là hầu hết mọi người tin vào thường kiến. Nếu bạn có đôi mắt sáng thì cả hai quan điểm này sẽ bị mất. Người đoạn kiến có thể phát nguyện thành đức Bồ Tát cho dù họ gặp rất nhiều khó khăn. Trong hai tà kiến này, đoạn kiến gần với Niết Bàn hơn. Nếu bạn thấy được vô thường của bất kỳ các uẩn nào thì cả hai tà kiến đều biến mất. Vì vậy nhìn thấy vô thường là vô cùng lợi ích. Nếu không bạn sẽ nghiêng về một bên. Do đó tôi thường xuyên hỏi rằng “bạn có nhận ra vô thường không?”

Ở đây thọ sinh khởi và sau đó không còn nữa, tâm sinh khởi và sau đó không còn nữa. Cần phải hiểu biết về chúng một cách tổng quan, đây là những điều quan trọng tôi phải nói với bạn. Bạn có thể đã gặp một vị Phật nào đó trong những kiếp trước, nhưng một trong các tà kiến này đã ngăn cản bạn giải thoát. Bây giờ bạn đã gặp được lời dạy của Đức Phật và phải thực hiện nhiệm vụ này.

Phân biệt theo tính cách thì người thường kiến có xu hướng nhiều về tham dục (rāga carita). Người đoạn kiến thì có tính cách sân hận (dosa caritta), người này sẽ không làm bất cứ điều gì nếu họ không muốn cho dù bất kể lý do gì, họ là những người thẳng tính. Nếu những người này có niềm tin trong giáo pháp thì họ có thể từ bỏ mạng sống của mình để tu hành. Người đoạn kiến là người sắc sảo, còn người thường kiến là người mềm mại.

Đức Phật đã dạy mọi thứ rất chi tiết và không giữ lại điều gì. Tất cả các bạn đều hiểu rõ về pháp Duyên Sinh, vì vậy đừng nghi ngờ về bản thân các bạn có đang ở con đường Trung Đạo hay không. pháp Duyên Sinh hướng dẫn các bạn về nhân và quả của các hiện tượng vô thường, vì vậy các bạn đang ở trên con đường Trung Đạo. Năm uẩn giống như giòng nước tuôn chảy, luôn ở trong trạng thái vô thường. Trí tuệ nói cho bạn biết điều này, trí tuệ giống như đang xem dòng nước ngũ uẩn tuôn chảy. Nước chảy vào phần trên và chảy ra phần dưới. Sự chấm dứt của sinh và diệt là Niết Bàn.

Bài liên quan