Thật lợi ích khi nghe về pháp trống rỗng (suññata dhamma). Nhìn thấy sự trống rỗng (tính không) sẽ nhận ra Niết Bàn, đây là điều quan trọng. Trong Kinh Tập (sutta-nipāta), Đức Phật dạy Mogharaja rằng nhìn thấy tính không sẽ nhận ra Niết Bàn. Quán tưởng các pháp là sự trống rỗng của cái tôi. Cái gì cần phải quan sát? Quan sát con mắt và cảnh sắc không phải là tôi, không phải là của tôi. Với sự tiếp xúc giữa mắt và cảnh sắc, nhãn thức sinh khởi, đây cũng không phải là tôi hay của tôi. Nếu bạn quan sát theo cách này sẽ thoát khỏi vương quốc của sự chết.
Tại sao tôi dạy về tính không (suññata dhamma)? Bởi vì nó sẽ biến mất cùng với Niết Bàn. Ngay cả bây giờ trong giáo lý của Đức Phật (Buddha sasana), lời dạy về thân và tâm đã gần như biến mất. Mọi người không biết về tính không bởi vì rất khó để hiểu rằng không tồn tại con người hay chúng sinh thực sự nào, tất cả chỉ là các hiện tượng trống rỗng. Nếu tôi nói về năm uẩn đang sinh và diệt, chỉ có vài người muốn chú ý đến điều này. Năm uẩn (khandha), mười hai căn (ayatana), mười tám giới (dhatu) và sự thật (sacca) là các hiện tượng trống rỗng. Sự sinh khởi và hoại diệt là trống rỗng của cái tôi, tương lai không còn một ai có thể dạy những điều này nữa. Trong các uẩn không có ‘tôi’ hay ‘của tôi’, nghĩa là nó trống rỗng về một con người hay một thực thể.
Vì không thể nhìn mọi hiện tượng là trống rỗng nên không nhận thấy tính không, như vậy quá trình duyên sinh sẽ tiếp tục tạo nên vòng tồn tại mới. Khi pháp trống rỗng biến mất thì lời dạy về pháp này cũng biến mất.
Nếu không thâm nhập được vào trong tính không, ‘tôi’ và ‘của tôi’ sẽ đi theo mọi lúc mọi nơi. ‘Tôi đang bị đau’ là tà kiến, rồi theo sau bởi sự chấp thủ (diṭṭhupādāna) vào tà kiến đó, và trở thành nghiệp (kamma). Bởi vì cảm giác nên trở thành ‘tôi cảm giác’. Điều này diễn ra bởi vì mọi người không thể nhận ra tính không nên dẫn đến các cõi khổ.
Một số người nói rằng “không có tôi” là một điều khó, trong thực tế, không có tôi dẫn đến Niết Bàn. Không cần tìm kiếm một nơi trốn thật đặc biệt để thực hành, chỉ cần chú ý và quan sát bất cứ cảm thọ nào sinh khởi, tuổi thọ của nó chỉ là một và hai. Một là sinh khởi và hai là diệt đi, nhìn thấy thọ diệt đi, khái niệm về tôi và của tôi không còn tồn tại nữa. Nhìn thấy vô thường, cả tôi và của tôi đều biến mất. Trong 31 cõi luân hồi chỉ tồn tại sự vô thường, ngoài ra đều là những cái tên được gắn vào. Cảm thọ có nhiệm vụ là cảm nhận chứ không phải là công việc của cái tôi.
Thiền minh sát là thực hành với sự chú ý và quan sát. Cảm thọ sinh khởi và biến mất, biến mất vì không phải là của tôi và tham ái cũng biến mất. Sau đó bạn biết về sự trống rỗng của cảm thọ. Quan sát với trí tuệ trở thành hiểu biết về tính không. Vì vậy Đức Phật nói rằng đến với sự rỗng không để thoát khỏi cái chết, có nghĩa là nhìn thấy Niết Bàn. Không nhận ra Niết Bàn lần đầu là do không hiểu biết về tính không, trí tuệ không thể đến từ kiến thức sách vở mà phải bằng kinh nghiệm trực tiếp.
Khi một cảm giác dễ chịu xuất hiện trên thân, biết trực tiếp rằng cảm giác dễ chịu xuất hiện, sau đó cái tôi sẽ biến mất. Cảm giác đó không phải là tôi, chỉ là cảm giác mà thôi, và trở thành trống rỗng với cái tôi. Nó không phải của tôi, cái mà vừa mất đi. Do đó nhìn thấy vô thường và không có cái gì là tôi hay của tôi. Đây là hiểu biết về tính không.
Liên tục quan sát hết lần này qua lần khác sẽ trở thành đạo lộ (magga). Khổ sinh khởi và biến mất cũng là khổ. Với sự hiểu biết hoàn toàn (pariññā) về điều này, sau đó tuệ Minh Sát sẽ trở thành Đạo Tuệ, và cuối cùng tất cả các hiện tượng sinh diệt đều đi đến chỗ kết thúc.
Vô thường là pháp trống rỗng cái tôi và của tôi, vì vậy hãy quán tưởng tính vô thường để vượt qua tham ái và tà kiến. Mục đích chủ yếu của tính không là phá tan tà kiến, nhưng cũng đồng thời xua tan cả tham ái.
Dukkha nirodho nibbānaṃ
Khổ diệt là Niết Bàn
Taṅhā nirodho nibbānaṃ
Ái diệt là Niết Bàn
Khi tham và sân diễn ra trên thân và tâm, bạn phải theo chúng. Tâm có tham tạo ra các hình thức tham lam. Pháp thiện, pháp bất thiện và pháp vô ký tạo ra các sắc thân tương ứng với chúng. Do đó cơ thể vật chất này là tập hợp của các pháp và phải tuân theo bản chất của các pháp. Pháp bất thiện tạo nên thân bất thiện trong cõi khổ. Hướng tâm vào bên trong sẽ thấy các pháp thiện và bất thiện sinh khởi lên mà không có một con người hay một chúng sinh nào cả. Tất cả chỉ là tập hợp các trạng thái tâm thiện hoặc bất thiện cùng sắc pháp tương ứng. Điều này đang xua tan tà kiến dẫn tới bốn cõi khốn khổ. Bằng việc nhìn nhận theo cách này các bạn đang trở thành đệ tử của Đức Phật. Đó chính là sự trống rỗng của con người hay bản thể, không có kiến thức này tà kiến sẽ không chịu rời đi.
Con người hay chúng sinh chỉ tồn tại trong giao tiếp mà không có thực. Thực hành nỗ lực sẽ nhận thấy cơ thể này được hình thành từ các hiện tượng có điều kiện và vô thường, chúng luôn thay thế và ra đi, thay thế nhau và ra đi. Ăn uống là thay thế và đại tiện là ra đi, đây là nhiệm vụ của các uẩn, chúng làm việc bận rộn suốt cả ngày. Thay thế liên tục là điều kiện bởi khổ. Pháp vô thường đang phá huỷ chúng. Mỗi khi con nai được sinh ra, nó bị con hổ ăn thịt, quá trình diễn ra theo cách này. Bạn đã vỡ mộng với chúng hay chưa?
Mọi người chỉ hướng tâm đến công việc kinh doanh buôn bán chứ không hướng đến các uẩn. Nếu các bạn hướng đến năm uẩn thì sẽ muốn chấm dứt các hiện tượng có điều kiện và vô thường. Vì vậy Đức Phật nói rằng không có sự thay thế và ra đi là Niết Bàn, nơi an vui lớn nhất. Mọi người nghĩ về Niết Bàn theo nhiều cách nhưng không cách nào đúng. Bằng kinh nghiệm trực tiếp, Niết Bàn là không thể thay thế và thay đổi.
Khi nhìn thấy tiến trình thay thế và ra đi càng nhiều, tâm càng trở nên ghê tởm, không hài lòng và không mong muốn nữa. Quá trình này trở nên tăng tốc và nhanh chóng hơn, sau đó chỉ còn thấy sự ra đi. Điều này tức là trí tuệ của bạn đang phát triển, ban đầu thấy rất nhiều sự sinh và diệt của các hiện tượng. Tiếp tục nỗ lực quan sát, tâm trí trở nên sắc bén hơn, không nhìn thấy sinh khởi nữa mà chỉ còn thấy sự diệt vong.
Đến một lúc nào đó sẽ không thấy bất kỳ sự sinh và diệt nào thì được gọi là thoát khỏi các uẩn. Khi đó bạn không thể tìm thấy các uẩn, tâm quan sát được trải nghiệm sự tự do khỏi các uẩn. Tôi đang hướng dẫn điều này cho các bạn, nhìn thấy sự tan rã ngày càng nhiều sẽ phát triển tuệ giác về sự sợ hãi (bhayañāṇa), và sau đó là tuệ giác về hiểm nguy (ādīnavañāṇa).
Khi bắt đầu giác ngộ hoàn toàn, ngài Sariputta muốn dời bỏ xác thân của mình. Không có niềm vui và sự tự do nào khi mang theo tấm thân ngũ uẩn đầy gánh nặng này. Vì vậy ngài Sariputta muốn đặt gánh nặng xuống và nhập Niết Bàn. Tất cả các bạn đều không giống như vậy, các bạn muốn đi chỗ này và chỗ kia bằng cách mang theo gánh nặng ngũ uẩn này. Bạn không nhìn thấy vấn đề của chúng và thậm chí rất hạnh phúc khi trở thành một người đàn ông.
Mọi người đều phải mang một bao tải lớn đang cháy trên lưng, tham ái luôn muốn bạn mang những bao tải lớn. Nếu sinh nhiều con, bạn sẽ trở thành một người cu li mang vác nhiều túi gạo. Hay tương tự như những người bốc vác ở bến cảng, họ không thích người khác làm công việc giống mình, vì họ muốn được được mang vác nhiều hơn. Thậm chí một số cư sĩ mong muốn được mang gánh nặng này và họ đang cầu nguyện điều đó trước các ban thờ tượng Phật.
Niết Bàn là nơi kết thúc của sự thay thế và ra đi. Tesam vupasamo sukho – kết thúc của chúng là hạnh phúc. Các hành và các uẩn là đối tượng để các bạn quan sát, tức là sinh và diệt của các uẩn. Cuối cùng không nhìn thấy bất kỳ ai trong số họ là đến giai đoạn đầu của Niết Bàn, tức là thấy Pháp. Ai không thấy vô thường thì vẫn còn mù quáng và điên khùng.
Có bốn đống phân trong phòng, nếu bạn không dọn dẹp sạch, về sau nó sẽ trở nên nặng mùi. Khi chứng ngộ Niết Bàn, nghiệp lực trên thân vẫn tồn tại nhưng bạn sẽ không thấy nó trên tâm. Mọi người xung quanh nhìn thấy cơ thể bạn nhưng bạn thì không bởi vì phiền não đưa bạn đến các cõi thấp hơn đã bị đoạn trừ. Khi Đức Phật nhập trạng thái Quả sẽ không còn nhìn thấy thân thể của chính Ngài.
Kinh nghiệm của mình và những người xung quanh là khác nhau. Nếu ai đó vẫn còn phiền não, những bậc thánh nhân không thể chịu đựng được mùi của họ. Trước kỳ kết tập tam tạng kinh điển lần đầu tiên, ngài Maha Kassapa đã nhận xét về ngài Ananda là: “có một con dê hôi ở giữa chúng ta”. Điều đó không làm phiền bạn nhưng làm phiền đối với các bậc thánh nhân. Các hành (sankhara) và vô thường (anicca) cũng giống như sinh và diệt.
Aniccā vata saṅkhārā, Uppādavayadhammino, Uppajjitavā nirujjhanti, Tesaṃ vūpasamo sukho.
Các pháp hữu vi thật không bền vững, nó có tính sinh diệt là thường, vì nhân sinh rồi diệt, diệt rồi sinh, nên thường hay có sự khổ não. Chỉ có Niết Bàn là pháp tịch diệt, dứt các pháp hữu vi ấy được, mới có sự an vui tuyệt đối.
Niết Bàn không có các uẩn có thể bị hiểu nhầm giống như sự trống rỗng, không có gì cả. Đừng coi Niết Bàn là hư vô. Khi bạn bị loét dạ dày và đau đớn không chịu nổi, bạn rất mong muốn được chữa khỏi. Khi được chữa khỏi, bạn có thoả mãn hay không? Khi đó bạn đang ở trong tình trạng không bệnh tật. Do đó Niết Bàn tồn tại và chỉ dành cho những người bị loét dạ dày muốn được chữa khỏi. Cơ thể này là ngôi nhà của viêm loét và các loại bệnh tật (roga), tất cả chúng ở đó. Với con mắt của bậc thánh nhân có thể nhìn thấy chúng. Không có bệnh là Niết Bàn. Biết rằng không có bệnh là Đạo Tuệ và sau đó là Quả Tuệ. Niết Bàn tồn tại nơi mà Đạo và Quả có thể sinh khởi.
Có các nhà sư, có người chưa được sinh ra, chưa được trở thành, chưa được tạo ra. Nếu không có cái không sinh, không trở thành, không tạo ra thì đây sẽ không phải là sự giải phóng từ cái được sinh ra, được trở thành, được chế tạo. Nhưng chính xác bởi vì đó là cái không sinh ra, không trở thành, không được tạo ra từ cái được sinh ra, được trở thành, được chế tạo. Vì vậy, Niết Bàn tồn tại (atthi).