Thứ Hai, Tháng Ba 20, 2023
HomeDhammasPaṭiccasamuppādaTám phân tích về pháp Duyên Sinh

Tám phân tích về pháp Duyên Sinh

Các bài thuyết pháp của ngài thiền sư Sayadaw Mogok phần lớn dựa trên pháp Duyên Sinh, hay còn gọi là vòng Thập Nhị Nhân Duyên (paṭiccasamuppāda). Để minh hoạ chi tiết và trực quan hơn cho các bài thuyết pháp của mình, ngài Sayadaw Mogok đã tạo ra một biểu đồ chi tiết về pháp Duyên Sinh. Biểu đồ này được dựa trên các bài kinh và chú giải, vì vậy để hiểu các bài thuyết pháp của ngài Sayadaw Mogok cần phải hiểu rõ biểu đồ này trước. Theo hướng dẫn của ngài đại trưởng lão Sayadaw Mogok có hai điểm cần phải chú ý.

thập nhị nhân duyên
Bản đồ thập nhị nhân duyên

Thứ nhất, pháp Duyên Sinh là tiến trình của năm uẩn.

Thứ hai, pháp Duyên Sinh (paṭiccasamuppāda), năm uẩn (khandha) và vòng luân hồi (saṃsāra) là tương tự nhau.

Đầu tiên chúng ta xem xét tổng quan về biểu đồ pháp Duyên Sinh. Biểu đồ này bao gồm tám vòng tròn lồng nhau:

i. Vòng tròn thứ nhất ở tâm biểu đồ chứa hai nhân gốc của năm uẩn cũng như của vòng luân hồi, là vô minh (avijjā) và tham ái (taṇhā).

ii. Vòng tròn thứ hai tiếp theo là vòng tròn về sự thật, có hai sự thật là Tập Đế (samudaya sacca) và Khổ Đế (dukkha sacca).

iii. Vòng tròn thứ ba là vòng tròn về quan hệ nhân quả trong ba thời kỳ: quá khứ, hiện tại và tương lai.

iv. Vòng tròn thứ tư là vòng tròn về thời gian: thời quá khứ, thời hiện tại và thời tương lai.

v. Vòng tròn thứ năm là vòng tròn về mười hai mắt xích chính được  đề cập trong pháp Duyên Sinh.

vi. Vòng tròn thứ sáu là vòng tròn về hai mươi yếu tố, được mở rộng từ mười hai mắt xích chính.

vii. Vòng tròn thứ bảy là vòng tròn nhân quả tương tục trong ba thời.

viii. Vòng tròn ngoài cùng là vòng tròn thứ tám, miêu tả ba vòng tồn tại: vòng phiền não luân, vòng nghiệp luân và vòng quả luân.

Để cho dễ ghi nhớ và hiểu sâu hơn về pháp Duyên Sinh, ngài Mogok đã đưa ra một bài kệ: Hai nhân, hai sự thật, bốn thời kỳ và mười hai mắt xích. Ba kết nối, ba vòng tồn tại, ba chu kỳ thời gian và hai mươi yếu tố.

1. Hai nhân: Vô minh (avijjā) và tham ái (taṇhā), là điểm bắt đầu của mười hai mắt xích trong pháp Duyên Sinh. Tuy nhiên không có nghĩa rằng chúng là nguyên nhân đầu tiên. Chính bản thân chúng cũng có nguyên nhân. Đây là gốc rễ của vòng luân hồi (saṃsāra) hay là nguyên nhân chính của năm uẩn. Hai nhân được đặt ở tâm của vòng tròn như trục bánh xe và chúng quay bánh xe luân hồi không ngừng nghỉ.

2. Hai sự thật: Tập Đế (samudaya sacca) và Khổ Đế (dukkha sacca), được đặt ở vòng tròn thứ hai sau vòng tròn hai nhân. Phần thứ nhất và phần thứ ba là Tập Đế, phần thứ hai và thứ tư là Khổ Đế. Chúng kết hợp với nhau tạo nên hai sự thật và Tập Đế là nguyên nhân của Khổ Đế.

3. Bốn phần: Được miêu tả trong vòng tròn thứ ba sau vòng tròn hai sự thật.

① Phần thứ nhất là nguyên nhân xảy ra trong quá khứ.

② Phần thứ hai là kết quả (của nhân quá khứ ①) xảy ra trong hiện tại.

③ Phần thứ ba là nguyên nhân (là quả của kết quả hiện tại ②) xảy ra trong hiện tại.

④ Phần thứ tư là kết quả (của nguyên nhân hiện tại ③) xảy ra trong tương lai.

Bốn phần chỉ khác nhau về chu kỳ của thời gian, khi chúng kết hợp lại tạo thành hai phần nguyên nhân ①, ③ và hai phần kết quả ②, ④. Khi chúng ta nói rằng nguyên nhân hiện tại nghĩa là kết quả của ‘kết quả hiện tại’ trong hiện tại và ‘kết quả tương lai’ nghĩa là kết quả của ‘nguyên nhân hiện tại’. Nguyên nhân hiện tại là hành động xảy ra trong hiện tại và trở thành nguyên nhân cho sự kiện xảy ra trong tương lai.

① nguyên nhân trong quá khứ →  ② kết quả trong hiện tại →

→ ③ nguyên nhân trong hiện tại (kết quả của kết quả) →  ④ kết quả trong tương lai

4. Mười hai mắt xích nằm trong vòng tròn thứ năm, và được chia tương ứng với bốn phần ở trên.

① Phần 1: Gồm hai mắt xích là: vô minh (avijjā) và hành (saṅkhāra).

② Phần 2: Gồm năm mắt xích là: thức ( viññāna), danh-sắc (nāma-rūpa), sáu căn (saḷāyatana), xúc (phassa) và thọ (vedanā).

③ Phần 3: Gồm ba mắt xích là: ái (taṇhā), chấp thủ (upādāna), nghiệp hữu (kammabhava).

④ Phần 4: Gồm hai mắt xích là: sinh (jāti) và già chết (jarā maraṇa).

Có một mũi tên từ đỉnh của hình tròn hướng thẳng xuống đáy, chia hình tròn làm hai nửa. Nửa bên phải chứa bảy mắt xích, vô minh, hành, thức, danh-sắc, sáu căn, xúc, thọ. Chúng được dẫn đầu bởi gốc vô minh trong quá khứ. Nửa bên trái là năm mắt xích: ái, chấp thủ, nghiệp hữu, tái sinh và già chết. Chúng được dẫn dắt bởi nhân hiện tại là ái (taṇhā). Dẫn đầu bởi gốc vô minh trong quá khứ là bảy mắt xích và dẫn đầu bởi gốc ái trong hiện tại là năm mắt xích, tổng cộng có  mười hai mắt xích tạo nên pháp Duyên Sinh, chúng ta sẽ xem xét chi tiết mười hai mắt xích này ở phần sau.

5. Ba kết nối:

Kết nối đầu tiên giữa hành (saṅkhāra) ở lớp thứ nhất và thức (viññāna) ở lớp thứ hai

Kết nối thứ hai giữa thọ (vedanā) ở lớp thứ hai và ái (taṇhā) ở lớp thứ ba

Kết nối thứ ba giữa nghiệp hữu (kammabhava) ở lớp thứ ba và  sinh (jāti) ở lớp thứ tư.

Ba kết nối xét theo chu kỳ thời gian:

Kết nối giữa nhân quá khứ và quả hiện tại.

Kết nối giữa quả hiện tại và nhân hiện tại.

Kết nối giữa nhân hiện tại và quả tương lai.

Ba kết nối liên quan đến sự thật (sacca):

Kết nối giữa nguyên nhân của khổ (samudaya) và khổ (dukkha).

Kết nối giữa khổ (dukkha) và nguyên nhân của khổ (samudaya).

Kết nối giữa nguyên nhân của khổ (samudaya) và khổ (dukkha).

Ba kết nối có thể được hiểu theo bất cứ hình thức nào, tuỳ thuộc vào cách thức bạn xem xét vấn đề. Tuy nhiên kết nối quan trọng nhất vẫn là kết nối giữa hành và thức, giữa thọ và ái, giữa nghiệp hữu và sinh.

6. Ba vòng tồn tại (vaṭṭa) trình bày mô hình tuần hoàn của luân hồi (saṃsāra) gồm:

i. Vòng phiền não luân (kilesa vaṭṭa)

ii. Vòng nghiệp luân (kamma vaṭṭa)

iii. Vòng quả luân (vipāka vaṭṭa)

Kilesa nghĩa là làm cho chúng sinh mệt mỏi, đau khổ và bất hạnh. Đồng thời chúng phá huỷ các thiện pháp và thiêu đốt chúng sinh. Vaṭṭa nghĩa là vòng tròn của sự kiện, di chuyển xung quanh vòng tròn hoặc sự tồn tại của vòng tròn. Do đó kilesa vaṭṭa nghĩa là pháp áp chế làm khổ hoặc dày vò chúng sinh với sự mệt mỏi và đau khổ trong vòng tròn tồn tại đó. Phiền não luân (kilesa vaṭṭa) được đánh dấu bằng mũi tên cong, gồm ba mắt xích là vô minh (avijjā), ái (taṇhā) và chấp thủ (upādāna).

Nghiệp luân (kamma vaṭṭa) là các hành động diễn ra trong vòng tròn duyên sinh. Nghiệp luân được đánh dấu bằng mũi tên cong, gồm hai mắt xích là hành (saṅkhāra) và nghiệp hữu (kamma bhava).

Quả luân (vipāka vaṭṭa) là kết quả xảy ra trong vòng duyên sinh, bao gồm tám mắt xích: thức (viññāna), danh-sắc (nāma-rūpa), sáu căn (saḷāyatana), xúc (phassa), thọ (vedanā), tái sinh (jāti), sinh hữu (upapattibhava) và già chết (jarā maraṇa).

Phiền não luân (kilesa vaṭṭa) và nghiệp luân (kamma vaṭṭa) là nguyên nhân của sự tồn tại trong vòng luân hồi. Quả luân là kết quả của sự tồn tại. Vòng tròn cơ bản nhất là phiền não luân.  

7. Ba chu kỳ thời gian: Phần ① là thời quá khứ, phần ② và phần ③ là thời hiện tại, phần ④ là thời tương lai.

8. 20 mắt xích của nhân và quả:

Phần ① gồm năm nhân quá khứ: vô minh (avijjā), hành (saṅkhāra), ái (taṇhā), chấp thủ (upādāna) và hữu (bhava).

Phần ② gồm năm quả hiện tại: thức (viññāna), danh-sắc (nāma-rūpa), sáu căn (saḷāyatana), xúc (phassa) và thọ (vedanā).

Phần ③ gồm năm nhân hiện tại: ái (taṇhā), chấp thủ (upādāna), hữu (bhava), vô minh (avijjā) và hành (saṅkhāra).

Phần ④ gồm năm quả tương lai: thức (viññāna), danh-sắc (nāma-rūpa), sáu căn (saḷāyatana), xúc (phassa) và thọ (vedanā).

Như vậy, tóm lại cần phải nhớ 8 điểm: (1) hai nhân, (2) hai sự thật, (3) bốn phần, (4) mười hai mắt xích, (5) ba kết nối, (6) ba vòng tồn tại, (7) ba chu kỳ thời gian, (8) hai mươi mắt xích nhân quả. Tiếp theo chúng ta xem xét về mười hai mắt xích chính trong pháp Duyên Sinh.

RELATED ARTICLES

Most Popular

Recent Comments