HomeMahatheraSayadaw MogokQuan sát thân và tâm với trí tuệ

Quan sát thân và tâm với trí tuệ

Cơ thể này bao gồm thân (rūpa) và tâm (nāma). Khi bạn muốn làm điều gì đó là tâm, bất cứ chuyển động và hành động nào xảy ra đều theo yêu cầu của tâm. Chuyển động và hành động là thân. Bạn phải đưa người đàn ông khôn ngoan vào giữa thân và tâm. Hãy quan sát thân và tâm. Tâm sở trí tuệ (paññā cetasika) là trí tuệ của tâm, bây giờ các bạn có ba yếu tố. Một quan sát hai, đó là thực hành vipassanā. Nếu bạn có một cái lưỡi dài thì nó sẽ dài ra. Nói tóm lại thì chỉ có bấy nhiêu thôi. Nếu bạn có thể đặt hoặc chèn trí tuệ vào giữa chúng thì trở thành vipassanā. Tìm kiếm ở đây thì không thể trở thành vipassanā ở đó, sẽ chỉ tìm thấy các bản ghi của vipassanā. Các bạn đang lãng phí thời gian với các bản ghi, hãy để thân và tâm đưa bạn đến Niết Bàn.

Bất cứ cái gì bạn chất bên trong thuyền, nó sẽ đến bờ bên kia. Con thuyền là thân và tâm, người lái thuyền là trí tuệ, bờ bên kia là Niết Bàn. Ai đi thuyền này sẽ đến bờ bên kia, vậy thôi! Mặc dù nó dễ dàng và quá gần gũi với các bạn, nhưng các bạn không thể nhìn thấy nó. Lông mi là gần nhất với mắt của bạn, nhưng bạn có thấy lông mi của mình không? Không thể. Tại sao vậy? Vì bạn luôn nhìn với khoảng cách xa. Bây giờ bạn hãy chuyển sang nhìn gần, có điều gì gần hơn thân và tâm của bạn? Khi cơ thể đứng yên, quan sát cơ thể đứng yên. Khi cơ thể chuyển động, quan sát chuyển động của cơ thể. Khi thân tâm yên lặng, quan sát sự yên lặng đó. Tâm yên lặng và tâm chuyển động, thân yên lặng và thân chuyển động. Thân và tâm sẽ nói cho bạn biết về chúng. Thân cho bạn biết rằng tôi không phải là thân lúc trước cũng như thân sau này. Tâm cho bạn biết rằng tôi không phải là tâm lúc trước hay tâm sau này. Nếu chúng nói cho bạn nhiều như vậy thì trong cơ thể này không có gì thuộc về bạn cả.

Nếu bạn thấy thân tâm nói đúng thì trở thành chánh kiến về vipassanā. Thân và tâm luôn nói sự thật cho người đang quan sát chúng. Bạn có thể không tin những gì người khác nói, nhưng phải tin những gì thân tâm đang nói với bạn. Thân tâm cho bạn biết rằng chúng đang thay đổi. Sau đó bạn đồng ý với thân tâm bằng cách gật đầu “đúng vậy”, “đúng vậy”. Thậm chí nếu bạn không đồng ý với những điều mà Đức Phật hay các vị A La Hán nói thì cũng không sao cả, nhưng khi thân  tâm nói với bạn, bạn phải đồng ý. Bạn không cần phải nghi ngờ về điều đó đúng hay sai. Vì vậy không cần Đức Phật hay các vị A La Hán nói cho bạn rằng đó là vô ngã. Thân tâm sẽ cho bạn biết về điều này.

Thân tâm không đứng yên hoặc cư xử giống như cách bạn muốn. Hiểu rõ về thân tâm của chính mình là hiểu biết về con đường như nó đang là hay nó thực sự là (yathābhūta ñāna). Khi bạn đến đích, sự mù quáng và điên khùng sẽ biến mất, bây giờ bạn đã biết cách nhìn vào đâu để mù quáng và điên khùng biến mất chưa? Nếu bạn biết rõ về thân tâm của chính mình thì chắc chắn đạt được Niết Bàn.

Phần lớn các bạn đang lãng phí thời gian của mình vào những điều không có chút lợi ích nào, bởi vì không có người thầy hướng dẫn theo cách đúng đắn. Nhìn vào những thứ khác là samatha, chỉ có nhìn vào thân tâm là vipassanā. Thay vì quan sát những gì thực sự tồn tại, các bạn đang xem xét những thứ không tồn tại, vì vậy các bạn sống trong đau khổ. Thực hành vipassanā gặp nhiều khó khăn vì không có thầy chỉ đường.

Thân tâm của bạn sẽ nói cho bạn biết về sự thật, trí tuệ là người đáng tin tưởng. Đức Phật nói rằng nhìn thấy bằng chính bạn và tự mình quyết định sẽ nhận ra Niết Bàn.

Kāyaṃ imaṃ sammasatha, parijānātha punappunaṃ,

Kāye sabhāvaṃ disvāna, dukkhassantaṃ karissathā

Liên tục quan sát trên thân hết lần này đến lần khác, bằng trí tuệ nhận ra tính vô thường trên thân và cuối cùng sẽ thấy khổ kết thúc.

Theo ngài Sariputta, thực hành quan sát tiến trình trên thân tâm sẽ nhận ra Niết Bàn, nhưng Đức Phật bổ sung thêm rằng hãy quan sát với trí tuệ. Nếu bạn biết được như vậy thì Đức Phật tồn tại, ngược lại thì không có Đức Phật. Đức Phật nhập Niết Bàn là ngày trí tuệ biến mất. Thân tâm luôn nói với bạn rằng chúng là vô thường, khổ và vô ngã. Chúng không bao giờ nói dối bạn vì thân tâm là pháp chân đế (paramattha dhamma). Chúng nói cho bạn điều này thường xuyên khiến tai bạn trở nên cay đắng. Sau đó bạn nhàm chán với chúng.

Bạn phải bám theo các uẩn đến tận cùng, theo dõi và quan sát cho đến khi chúng kết thúc. Sau khi đạt đến tuệ giác về sự nhàm chán, tiến trình của cái chết biến mất. Những điều xấu tan biến và điều tốt đẹp xuất hiện. Vô thường, khổ đau, bất tịnh biến mất, và Niết Bàn xuất hiện. Lý do bạn không thể nhìn thấy ba đặc tính phổ quát vô thường, khổ, vô ngã cũng như Niết Bàn vì bạn đang nhìn vào thân tâm bằng con mắt thế gian. Với con mắt được Đức Phật ban cho, bạn chắc chắn sẽ nhìn thấy điều đó.

Nếu bạn có thể nhận biết được tính vô thường của thân và tâm, thì bạn có ba nhân thiện (tihetuka) trong tâm là vô tham, vô sân và vô si. Khi đó bạn có thể nhận ra Niết Bàn ngay trong cuộc sống này. Nếu bạn chỉ có hai nhân thiện (dvihetuka) là vô tham và vô sân mà không có vô si thì không thể nhận ra Niết Bàn. Đây là điểm quan trọng, tôi sẽ đưa ra quyết định cho bạn, đừng đi xin bất cứ ai. Đừng sớm từ bỏ nỗ lực và hãy cố gắng thực hành thường xuyên. Quyết định bằng cách thực hành thường xuyên là quyết định đúng đắn nhất. Nếu bạn cầu nguyện để đạt được Niết Bàn, tôi không thể chịu trách nhiệm cho bạn. Nếu bạn nhìn thấy tính vô thường, tôi xin chịu trách nhiệm. Điều này được ghi chép trong kinh Pali và Đức Phật cũng từng nói trong kinh Pháp Cú. Nếu bạn đạt được Yathābhūta ñāṇa hoặc Udayabbhaya ñāṇa, thì đó là điều chắc chắn.

Để minh hoạ về tính vô thường, bạn thử dùng móng tay cào một đoạn vào lòng bàn tay, bạn sẽ thấy cảm giác sinh và diệt từng cái một. Nhìn thấy thân tâm sinh diệt tức là bạn đang nhìn thấy điều rất vi tế. Chỉ trí tuệ mới có thể xâm nhập vào sự vi tế. Bạn không thể thấy điều này bằng mắt thường. Đến lúc đó bạn mới có cái nhìn đúng đắn, đó là yathābhūta ñāṇa. Quan sát với năm chi đạo (maggaṅga). Thân và tâm đang thay đổi bởi vì chúng không phải là ‘tôi’ hay ‘của tôi’. Nếu bạn coi chúng là ‘tôi’ hay ‘của tôi’ thì không ai điên hơn bạn, đừng nhầm lẫn với cái tôi trong bản chất vô thường. Thân tâm không phải là bạn  nên chúng là người lạ, vì vậy ngài Sariputta nói đó là một người lạ (prato) và hãy quan sát thân tâm giống như một người lạ. Các hiện tượng trên thân tâm thay đổi theo bản chất của chúng. Nếu bạn coi điều đó không liên quan gì đến bạn thì bạn đang coi chúng như một người xa lạ, đó là prato. Xem thân và tâm như một người xa lạ chính là chánh kiến, bởi vì tham ái, bám víu và nghiệp đang bị cắt đứt. Chúng được sinh ra cùng với nhau, chúng có làm theo mong muốn của bạn không? Chúng không bao giờ tuân theo, chúng sinh và diệt theo bản chất của chúng. Bạn muốn đi đến Niết Bàn thì chúng là những người xa lạ với bạn, vì vậy hãy quan sát chúng như những người xa lạ bạn sẽ đi đến đích.

Tất cả các bạn đã trải qua nhiều đau khổ trước đây là kết quả của việc biến người xa lạ thành người thân của mình. Những cái vạc dầu địa ngục đang được đun sôi là kết quả của suy nghĩ và việc làm của bạn, bạn khiến chúng xuất hiện. Nếu bạn muốn tạo ra các địa ngục thì xây dựng nó từ đây, muốn tiêu diệt nó cũng từ đây.

Con người sợ địa ngục nhưng lại đang tạo ra nó, địa ngục là đáng sợ hay tà kiến đáng sợ hơn? Bạn phải chữa trị tà kiến, tà kiến dẫn đến tái sinh đau đớn còn chánh kiến dẫn đến Niết Bàn. Khi bạn có chánh kiến, cánh cửa dẫn đến tái sinh đau đớn sẽ đóng lại. Nguyên nhân dẫn đến các cõi khổ cũng như thoát khỏi chúng phụ thuộc vào quan điểm sai và đúng. Bạn chỉ có hai cách này. Nếu bạn nhìn thân và tâm dưới dạng hình thức là tà kiến, nhưng thấy chúng sinh ra ở đây và biến mất ở đây là chánh kiến. Bạn đang nhìn thấy các hiện tượng vi tế. Nhìn giống như hình dạng hoặc hình thức là samatha, nhìn thấy vi tế là vipassanā. Đây là cái nhìn của khái niệm (pannatti) so với cái nhìn chân đế (paramattha), cái nhìn thô so với cái nhìn vi tế.

Hỏi: Để xem như một người lạ, bạn phải quan sát điều gì?

Đáp: Quan sát thân tâm này.

Bạn thấy mọi người đang gặp rắc rối vì điều đó, dường như không có ‘tôi’ là không có gì trong cuộc sống. Cả cha và mẹ bạn đều dạy bạn theo cách này. Bạn phải quan sát thân tâm mà không liên quan gì đến ‘tôi’. Tâm và thân là của ai? Bạn sẽ quay trở lại với ‘tôi’. Nếu ai đó đến và làm tổn thương ‘tôi’ hoặc ‘của tôi’, bạn trở nên không chịu đựng được. Thậm chí bạn còn không thể chịu được cái nhìn đáng ghét mà ai đó thể hiện với bạn. Nếu đó là một người xa lạ, thì sẽ không có tình cảm nào đến, nên bám víu và hành động cũng không xảy ra, do đó vòng duyên sinh bị cắt đứt. Nếu bạn coi chúng là thành viên trong gia đình thì vòng duyên sinh sẽ tiếp tục vận hành.

Ngài Sariputta nói rằng nếu bạn có thể quan sát vô thường với tư cách là một người xa lạ thì điều đó giống như việc bạn dùng một mũi tên bắn vào đầu sợi tóc. Nếu có thể quan sát vô thường theo cách này thì bạn sẽ hiểu vô ngã. Do nhân quả (vipaka vatta khandha) thân tâm này vẫn tồn tại. Trong thực tế khi nhìn thấy vô thường tức là bạn thấy Niết Bàn trong giây lát. Do đó bạn phải nhìn vô thường như một người xa lạ, nhìn thấy sự biến mất và kết thúc của vô thường, sau đó bạn sẽ thấy Niết Bàn là bất biến. Đây chính là Đạo tuệ (maggananam).

Sayadaw Mogok

Bài liên quan