Sayadaw Mogok
“Đừng bước đi chậm chạp trên luân hồi dài (saṃsāra) để hưởng thụ niềm vui hay hạnh phúc. Tốt hơn là bạn nên đến nơi an toàn (nibbāna) càng nhanh càng tốt. Đừng kén chọn và hãy đi với bất cứ thứ gì bạn đang có. Đừng đợi để có một phương tiện tốt, hãy nhanh chóng đến đó với bất cứ phương tiện nào.”
Đại trưởng lão, thiền sư Sayadaw Mogok (1899-1962) là một thiền sư nổi tiếng và có ảnh hưởng rất sâu rộng đến phật tử trên khắp đất nước Myanmar vào thế kỷ XX. Ngài sinh ngày 27 tháng mười hai năm 1899 tại làng Uyintaw, thị trấn Amarapura, được đặt tên là Mg Hla Baw nghĩa là dễ dạy và dễ dàng ghi nhớ những điều đã học. Khi được 8 tuổi ngài xuất gia sadi với pháp danh Shin Vimala và sau đó theo học Vi diệu pháp. Ngài thọ giới tỳ kheo năm 20 tuổi, ngay sau ba hạ tỳ khưu U Vimala đã bắt đầu dạy Vi diệu pháp và dần dần được biết đến. Vào tuổi 28 ngài đã viết chú giải cho bộ Song Đối (yamaka). Từ năm 1934 ngài thường xuyên được người dân thị trấn Mogok thỉnh mời về thuyết pháp và trở nên nổi tiếng với tên gọi Sayadaw Mogok.

Khi chiến tranh thế giới thứ hai nổ ra và lan đến Myanmar, ngài đã ẩn cư trong một hang động bốn năm để tu tập miên mật liên tục và thoát khỏi chiến tranh. Ở bên ngoài các quốc gia đang gây chiến với nhau, họ giết nhau để tranh giành quyền lực và sự giàu có đẩy thế giới tới bờ vực của sự diệt vong. Còn trong hang động, tỳ khưu U Vimala đang nỗ lực chiến đấu với kẻ thù bên trong (kilesa). Ngài ở trong hang và không biết gì về cuộc chiến bên ngoài, nhưng ngài biết rằng thế giới bên trong (khandha) đang dần bị diệt vong. Người Myanmar tin rằng ngài có thần thông và đã hoàn toàn chinh phục được kẻ thù bên trong của mình.
Sau khi rời khỏi hang, ngài tiếp tục được thỉnh mời thuyết pháp, nhưng ngài đã nhắc nhở mọi người: “Bạn không nên chỉ thỏa mãn với những bài pháp thoại, bạn phải thực hành. Bạn đã may mắn thoát khỏi cuộc chiến tranh, bạn nên coi đó là cơ hội để sống cho giáo pháp”. Từ đó ngài bắt đầu dạy thực hành vipassanā.
Sayadaw Mogok luôn luôn thúc giục và sách tấn mọi người phải nỗ lực tự mình thực hành. “Hãy thực hành! Hãy tự mình thực hành! Bây giờ không còn nhiều thời gian nữa, thời gian ngày càng ít đi”.
Sayadaw Mogok rất uyên thâm về kinh điển Pali, đôi khi giống như một nhà chú giải, ngài có thể chỉ ra những điểm quan trọng với cách giải thích mới mà chưa từng có trước đây. Khi một đệ tử cư sĩ hỏi ngài đệ nhất Tam tạng Tipiṭaka Sayadaw Mingun: “Thưa ngài, ngày nay mọi người thực hành Vipassanā theo phương pháp Mogok ở khắp mọi nơi. Vậy những lời dạy này có phù hợp với các bài kinh, chú giải và phụ chú giải không?” Sayadaw Mingun không trả lời họ là đúng hay sai. Thay vào đó, ngài nói: “Nếu Đức Phật còn sống, Ngài sẽ ban cho Sayadaw Mogok danh hiệu cao quý nhất trong việc giảng dạy giáo pháp tới người Myanmar. Hơn nữa ngài cũng có thể nhận được danh hiệu cao nhất dành cho những nhà chú giải người Myanmar.”
Sau khi chiến tranh kết thúc, phong trào thực hành vipassana phát triển rộng khắp Myanmar, thu hút đông đảo tăng ni cũng như các tầng lớp cư sĩ theo đuổi. Vipassanā được nghiên cứu và hướng dẫn không chỉ để áp dụng vào trong cuộc sống, mà với mục đích quan trọng nhất là hướng đến sự giải thoát cuối cùng. Các bài thuyết pháp của Sayadaw Mogok về thực hành vipassana đã nhanh chóng lan rộng khắp đất nước, gây ấn tượng mạnh mẽ tới người nghe, dẫn tới hàng trăm tu viện thực hành theo phương pháp của ngài.

Điểm đặc biệt trong phương pháp Mogok là ngài đã nhấn mạnh về tầm quan trọng của pháp Duyên Sinh. “Hiểu pháp Duyên Sinh sẽ vượt qua được tà kiến”. Pháp Duyên Sinh trình bày về quan hệ nhân duyên, về quy luật nghiệp báo, là điều kiện tiên quyết để hiểu sâu về năm thủ uẩn, để nhổ tận gốc dễ tà kiến và vượt qua mọi khổ đau. Sayadaw Mogok cho rằng hiểu biết lý thuyết về pháp Duyên Sinh là cần thiết trước khi bắt tay vào thực hành. Nếu không hiểu về pháp Duyên Sinh thì rất khó để thoát khỏi tà kiến và sẽ tiếp tục luẩn quẩn trong vòng luân hồi.