Thứ Hai, Tháng Ba 20, 2023
HomeMahatheraSayadaw MogokLời khuyên của ngài Nandaka

Lời khuyên của ngài Nandaka

Vào thời Đức Phật, các tỳ khưu thường xuyên được cử đến giảng dạy cho các tỳ khưu ni. Các tỳ khưu thay phiên nhau tới hướng dẫn cho các tỳ khưu ni, ngoại trừ đại đức Nandaka. Đại đức Nandaka không muốn đi hướng dẫn cho các tỳ khưu ni. Mỗi khi đến lượt mình vị ấy đều tìm lý do để thoái thác và đề cử vị khác đến dạy thay. Điều này xảy ra là bởi vì đại đức Nandaka biết rằng năm trăm vị tỳ khưu ni kia đã từng là phối ngẫu của vị ấy trong các kiếp quá khứ của họ. Vào thời Đức Phật nhiều vị tỳ khưu có thần thông có thể biết được tiền kiếp của mình và người khác. Đại đức Nandaka lo ngại rằng nếu một số tỳ khưu có thần thông nhưng chưa nhập vào dòng Thánh, khi thấy tỳ khưu Nandaka bị vây quanh bởi năm trăm tỳ khưu ni kia, sẽ hiểu lầm rằng vị ấy vẫn còn gắn bó với những người phối ngẫu cũ. Tới một ngày Đức Phật hỏi ngài Ananda, người sắp xếp lịch cho các tỳ khưu tới hướng dẫn cho các tỳ khưu ni. Sau khi biết tình hình Đức Phật đã yêu cầu đại đức Nandaka đến dạy các tỳ khưu ni.

Liên quan tới việc thực hành vipassanā, tôi sẽ nói về ngài Nandaka và năm trăm vị tỳ khưu ni. Có hai loại thân mật. Người ta đã thân mật với nhau từ trong kiếp trước hoặc kiếp này người ta quen nhau rồi trở nên thân thiết, trong câu chuyện này sự thân mật đã diễn ra từ nhiều kiếp trước. Đại đức Nandaka nói rằng nếu các tỳ khưu ni không rõ hoặc không hiểu về những gì vị ấy giảng dạy thì hãy đưa ra câu hỏi, và khi vị ấy hỏi các tỳ khưu ni nên trả lời.

Đại đức Nandaka hướng dẫn các tỳ khưu ni quan sát cảm thọ qua sáu cửa giác quan. Vật chất được tạo thành từ các hạt tổng hợp sắc kalapa. Hạt kalapa này được hình thành bởi tám sắc pháp cơ bản là đất, nước, lửa, gió, màu, mùi, vị và dinh dưỡng.

Hỏi: Sắc là thường hay vô thường?

Đáp: Thưa ngài, sắc là vô thường.

Hỏi: Cái gì vô thường là khổ hay lạc?

Đáp: Thưa ngài, vô thường là khổ.

Hỏi:  Có đúng chăng khi coi những gì là vô thường, là khổ là tôi, là của tôi, là tự ngã của tôi?

Đáp: Thưa ngài, không .

Hỏi: Tại sao vậy?

Đáp: Thưa ngài, vì chúng con đã thực hành và đã biết điều này với sự sáng suốt đúng đắn.

Hỏi: Nếu các vị đã biết điều này trước đây, nghe lại sẽ có nhiều lợi ích hơn. Mắt là thường hay vô thường, khổ hay lạc?

Đáp: Mắt là vô thường và khổ, thưa ngài.

Hỏi: Nếu nó vô thường, khổ có thể cho rằng nó là tôi, là của tôi, là tự ngã của tôi được chẳng?

Đáp: Không, thưa ngài, chúng con thực hành và đã biết điều này.

Hỏi: Khi mắt tiếp xúc với cảnh sắc, nhãn thức phát sinh. Nhãn thức là thường hay vô thường, là khổ hay lạc?

Đáp: Nhãn thức là vô thường, vì vô thường nên khổ, thưa ngài.

Hỏi: Nếu nó là vô thường và khổ, có thể coi nhãn thức là tôi, là của tôi hay là tự ngã của tôi được chăng?

Đáp: Không, thưa ngài, chúng con thực hành và đã biết điều này.

Hỏi: Cảm thọ sinh khởi từ nhãn thức là thường hay vô thường?

Đáp: Cảm thọ là vô thường, thưa ngài.

Hỏi: Nếu cảm thọ là vô thường, nó là khổ hay lạc?

Đáp: Là khổ, thưa ngài.

Hỏi: Nếu nó là vô thường và khổ, có thể coi nhãn thức là tôi, là của tôi hay tự ngã của tôi được chăng?

Đáp: Không, thưa ngài, chúng con thực hành và đã biết điều này.

Có sáu loại cảm thọ, sinh khởi từ nhãn căn, nhĩ căn, tỷ căn, thiệt căn, thân căn và ý căn (mano). Quan sát về sự vô thường của cảm thọ xuất phát từ kinh điển Pali, giống như bài kinh này. Nếu bạn mở rộng cảm thọ hơn nữa, sẽ có 18 loại cảm thọ.

Đại đức Nandaka lấy ví dụ minh hoạ cho bài giảng của mình: cho dầu và bấc vào đèn rồi châm lửa. Do ngọn lửa nên ánh sáng xuất hiện, như vậy ở đó có bốn đối tượng: dầu, bấc, lửa và ánh sáng. Cảm thọ sinh khởi từ ba đối tượng vô thường, nên cảm thọ cũng vô thường. Ở đây nhãn căn, cảnh sắc, nhãn thức và cảm thọ giống như dầu, bấc, lửa và ánh sáng. Tám sắc pháp bên trong hạt kalapa là vô thường nên cảnh sắc và nhãn căn là vô thường, và nhãn thức cũng vô thường. Do đó chúng không thể làm cho cảm thọ sinh khởi trở thành thường hằng, vĩnh viễn. Tại sao? Vì ba nhân là vô thường. Bạn có thể nói cảm thọ là vô thường, khổ và vô ngã. Nếu ngọn lửa tắt, ánh sáng sẽ phải biến mất. Tại sao vậy? Bởi vì ánh sáng dựa vào ba thứ kia. Khi nhãn thức sinh khởi tại nhãn căn, nó sinh khởi cùng với cảm thọ. Quan sát nhãn thức là vô thường, bạn có thể nói ‘đây là tôi’, ‘đây là của tôi’, ‘đây là tự ngã của tôi’ không? Đừng nói là ‘tôi thấy cảnh sắc’.

Cảm thọ sinh khởi từ nhãn căn do ba nguyên nhân: nhãn căn, cảnh sắc và nhãn thức, ba nguyên nhân này là vô thường, vì vậy cảm thọ phải là vô thường.

Do tà kiến nên khi một đứa trẻ chết hoặc chống đối, bố mẹ chúng buồn phiền, than thở và căng thẳng. Bây giờ chính bản thân bạn là vô thường, tất cả các bạn vẫn còn sống bằng sự tiếp nối của các nhân duyên vô thường. Không có sự liên tục này bạn sẽ chết, tương tự như dừng chiếc máy nổ. Nếu bạn không di chuyển các pháp có điều kiện ra bên ngoài thì bạn không bao giờ nhìn thấy vô thường.

Vô thường bị bao phủ bởi sự liên tục, liên tục có nghĩa là thay thế liên tục từ phía sau. Vì vậy không thể nhìn thấy vô thường, thay thế quá nhanh nên không thể nhìn thấy sự thay đổi. Hãy nhìn theo cách này, nước chảy từ phía trên xuống dưới, bạn lần lượt thả xuống sơn trắng, sơn xanh và sơn đỏ ở phía trên. Rồi đứng ở phía dưới dòng chảy và quan sát. Đầu tiên sơn trắng chảy xuống, rồi đến sơn xanh và cuối cùng là sơn đỏ. Vậy màu của nước có giống nhau không? Dòng nước chảy từ trên xuống dưới, ban đầu không có màu, sau đó có sự thay đổi về màu sắc. Nếu dòng nước luôn không có màu thì sơn trắng, sơn xanh, sơn đỏ sẽ không bao giờ chảy xuống. Ở đây cũng theo cách tương tự, nhãn thức thay thế cảm thọ. Đó không phải là cảm thọ đầu tiên mà là cảm thọ về sau. Cái nhìn đầu tiên biến mất và thay thế bằng cái nhìn sau đó.

Nếu cái nhìn là giống nhau thì không thể thấy được sự thay đổi, khi đó bạn không thể rời khỏi mối quan hệ. Nhìn thấy sự giống nhau sẽ tin vào tính thường hằng, là nguyên nhân dẫn tới tái sinh đau đớn. Muốn xua tan tà kiến bạn phải thấy sự khác biệt giữa thay thế là một thứ và biến mất là một thứ khác.

Tôi sẽ giải thích cách thức quan sát của con mắt. Trên tường có các số 1, 2, 3, 4. Sau khi nhìn thấy số 1 bạn nhìn thấy số 2. Sau khi thấy số 2 bạn thấy số 3, sau khi thấy số 3 bạn thấy số 4. Nếu không theo cách này bạn chỉ nhìn thấy số 1 liên tục. Bạn có thấy số 1 không? Sau khi số 1 mất bạn sẽ thấy số 2, sau khi số 2 mất bạn sẽ thấy số 3. Cũng như vậy bạn phải biết rằng sau khi cái cũ qua đi và cái mới đang xuất hiện. Nếu không, bạn thậm chí không thể đếm những con số, tất cả chỉ là số 1. Cảm thọ đầu tiên không thể cảm nhận được cảm thọ thứ hai. Bạn sẽ nhìn thấy chúng qua đi, biến mất. Một cái thấy khác đang ở đây, cũng đang biến mất ở đây. Nó không thể di chuyển ra khỏi nơi này, hãy quan sát sâu sắc ở đây.

Một vết thương xuất hiện trên cơ thể và gây ra cái đau. Cái đau xuất hiện và biến mất, rồi cái đau khác xuất hiện và biến mất. Chúng xuất hiện rồi biến mất, biến mất và được thay thế. Đừng bao giờ quên điểm này. Nếu bạn đang nhìn cái đau, bạn sẽ biết ‘cái đau bây giờ không giống với lúc trước, cái đau đang thay đổi”. Khi bạn nhận ra cái đau không giống với trước đây, tức là bạn đang thấy tính vô thường. Đây là phương pháp phát hiện ra vô thường bị bao phủ bởi tính liên tục (santati).

Đại đức Nandaka đã giải thích về nguyên nhân là vô thường và kết quả cũng vô thường. Sau khi các đối tượng, các căn và thức sinh khởi, cảm thọ xảy ra. Ba nguyên nhân là vô thường nên kết quả cũng vô thường. Trước khi khái niệm về sự liên tục xuất hiện, chúng là vô thường. Vì vậy hãy quan sát vô thường. Hướng dẫn của vị ấy là theo cách này. Với cảm thọ nhìn, cảm thọ nghe,…đừng bao giờ coi chúng là thường hằng. Nguyên nhân là vô thường và kết quả cũng vô thường.

Lợi ích của sự hiểu biết này là gì? Trong tiến trình nhìn, lợi ích là tham ái không thể phát sinh. Do đó bám víu, hành động và tái sinh không xảy ra. Tiến trình nhìn diễn ra cùng với sự hiểu biết về vô thường sẽ cắt đứt vòng tròn duyên sinh. Điều này không có trong Kinh tạng. Nếu không có điểm này bạn có thể hỏi tại sao họ trở thành A La Hán? Khi nhìn và trở thành ham muốn, thì tham ái đi vào và tuân theo quy luật tự nhiên (dhammaniyama) đưa đến tái sinh. Nếu bạn có thể quan sát tiến trình nhìn, có lợi ích cho Niết Bàn. Thực hành quan sát trên sáu căn bạn gần gũi với Niết Bàn hơn còn ngược lại không quan sát thì Niết Bàn sẽ rời xa.

Vedana nirodha taṇhā nirodho, cảm thọ chấm dứt thì tham ái cũng kết thúc, già và chết cũng kết thúc. Trở thành Đức Phật vì Ngài đã cắt đứt được vòng tròn duyên sinh bằng Đạo tuệ. Bốn Thánh Đế sinh khởi cùng nhau. Vô thường về thọ là Khổ Đế (dukkhasacca), quan sát với trí tuệ là Đạo Đế (maggasacca), tiêu diệt tham ái là Tập Đế (samudayasacca), không còn tái sinh, không còn già, bệnh và chết là Diệt Đế (nirodhosacca).

Taṇhā nirodha khandha nirodho Nibbānaṃ, sự chấm dứt của tham ái là chấm dứt của các uẩn, tức là Niết Bàn. Trong quá trình giảng dạy thì chúng được miêu tả theo thứ tự, trong thực tế chúng diễn ra cùng nhau. Kết thúc của khổ trong tương lai là Niết Bàn, đây là Niết Bàn thực sự. Niết Bàn là nơi an vui tuyệt đối. Thực hành quan sát trên sáu căn sẽ diệt trừ tham ái và dập tắt sức nóng  đau khổ. Nếu ngọn lửa tham ái bị dập tắt, chúng còn tạo ra sức nóng đau khổ nào nữa không? Không có ngọn lửa, sức nóng cũng biến mất. Ngọn lửa đã tắt cùng với nhiên liệu. Với ngọn lửa và nhiên liệu, chúng đang đốt cháy. Ai đã có kinh nghiệm về việc không còn ngọn lửa và nhiên liệu? Đó là những người thực hành quan sát.

Niết Bàn là công việc của người trí tuệ (ñāṇa) chứ không phải là nghiệp lực (kamma). Đây là bổn phận của tri kiến. Do đó Niết Bàn là con đường của nghiệp hay con đường của trí tuệ được rõ ràng bởi điều này. Nghiệp là nguyên nhân xa (upanissāya) và trí tuệ là nguyên nhân gần (magga paccayo).

Đức Phật nói rằng pháp diệt phiền não là pháp hướng đến Niết Bàn. Đạo tuệ phá huỷ phiền não và những thứ đồng hành với nó: sinh, già, bệnh, chết sẽ không đến nữa. Đạo tuệ kinh nghiệm Niết Bàn, Đạo là trí tuệ. Vì vậy nếu bạn đang thực hành, không cần thiết phải nghi ngờ về việc có thể nhận ra Niết Bàn hay có đủ ba la mật (pāramī) hay không. Nếu bạn có thể cắt đứt phiền não thì bạn sẽ tới đích.

Phiền não bị cắt đứt là Niết Bàn. Samudaya cản trở Niết Bàn, tính chất của samudaya là gì? Nó có tính ngăn cản, gây chướng ngại (palibodha). Do đó nếu chúng đến sẽ tạo ra chướng ngại. Thậm chí chúng cản trở hành động thiện, nhưng còn nhiều hơn thế đối với Niết Bàn. Chỉ có Đạo tuệ mới vượt qua được samudaya. Bố thí và thiền chỉ không thể vượt qua được samudaya, thậm chí chúng còn được khuyến khích cho những kiếp sống tiếp theo. Giữ giới (sila) là để cho sống lâu, samudaya có thể can thiệp vào những vấn đề này. Samudaya sẽ theo sau cho tới khi đạt đến trí tuệ chuyển tộc (gotrabhū ñāṇa). Chắc chắn là nếu không giết được tham ái thì không thể nhận ra Niết Bàn. Samudaya làm cho chúng sinh bị đảo lộn trong 31 cõi luân hồi. Các tỳ khưu ni trước đây chỉ biết đến vô thường, bây giờ ngài đại đức Nandaka dạy họ rằng vô thường sinh ra vô thường. Ba nguyên nhân là vô thường và kết quả cũng là vô thường. Hãy ghi nhớ điều này vào sâu trong tim của bạn.

Đại đức Nandaka đưa ra ví dụ khác, một cái cây có gốc, vì gốc mà cái thân cây sinh ra, sau khi thân cây phát triển có nhiều cành lá và bóng của cây xuất hiện. Ở đây nhãn căn là gốc cây, cảnh sắc là thân cây, cành lá là nhãn thức và bóng cây là cảm thọ. Sau đó cái cây bị chặt đi, bóng của cái cây đó còn tồn tại không? Cái nào biến mất trước? Đó là cái bóng. Tại sao? Cái cây vẫn có tính liên tục nhưng cái bóng thì không. Ở đây cảm thọ giống như bóng cây. Cảm thọ dựa trên ba yếu tố khác, nếu các yếu tố bị tiêu diệt, cảm thọ phải bị tiêu diệt đầu tiên.

Tôi sẽ giải thích thêm bằng duyên hệ (patthana), làm cho điều này trở nên sâu sắc hơn. Cảnh sắc xảy ra trước là tiền sinh duyên (purejata), nhãn căn cũng xảy ra trước cảm thọ nên là tiền sinh duyên. Cảm thọ sinh khởi phụ thuộc vào chúng. Nếu cảnh sắc và nhãn căn không xảy ra trước đó, liệu có bất cứ sự tiếp xúc (phassa) nào giữa chúng không? Sau khi chúng tiếp xúc, lập tức nhãn thức sinh khởi. Thật dễ chịu khi nhìn thấy nó, và sau đó cảm thọ dễ chịu sinh khởi. Hai sắc pháp sinh khởi trước là tiền sinh duyên (purejata), nhãn thức và cảm thọ sinh khởi cùng nhau là đồng sinh duyên (sahajata).

Nếu cây bị chặt đi thì liệu bóng cây có thể tồn tại? Giải thích bằng duyên hệ để xua tan nghi ngờ của bạn (vicikiccha). Nếu bạn không biết tại sao chúng diễn ra, dẫn tới nghi ngờ sinh khởi và cản trở Đạo tuệ. Trong bài pháp thoại ngày hôm nay, ba nhân là vô thường nên quả cũng vô thường, bạn phải hiểu điểm này rõ ràng. Hướng dẫn này là để hiểu và áp dụng vào thực hành.

Thực hành quan sát trên sáu căn, sau khi nhìn thấy đối tượng, đối tượng sẽ biến mất. Nếu bạn trực tiếp biết rằng không có gì ở đó thì tà kiến sẽ bị xua tan. Vượt qua sự nghi ngờ và tiếp tục quan sát, bạn biết rằng cái gì sinh khởi ở đây sẽ diệt đi ở đây và giết chết tà kiến. Quan sát về mối liên hệ nhân duyên dẫn đến xua tan hoài nghi và quan sát về tính vô thường xua tan tà kiến. Bạn phải ghi nhớ điểm này. Sau khi xua tan tà kiến và nghi ngờ bằng lý thuyết, việc thực hành có thể được hoàn thành.

Không xua tan được tà kiến và hoài nghi thì không thể kết thúc. Nếu điều gì đó xảy ra thì nghi ngờ sẽ xuất hiện. Trong thực hành không cần sử dụng mối quan hệ nhân và quả, chỉ cần sinh khởi ở đây và biến mất ở đây. Nếu không giải thích những điều này trước thì chúng có thể gây trở ngại trong khi thực hành vipassanā. Không biết nguyên nhân dẫn tới hoài nghi, không biết vô thường dẫn đến tà kiến và tất cả chúng sẽ không mất đi. Bất cứ loại cảm thọ nào sinh khởi cũng chỉ từ ba nguyên nhân này.

Một số người cho rằng rằng Tứ Diệu Đế phải thực hiện từng phần một nhưng không phải như vậy. Nếu bạn biết tính vô thường, tất cả những yếu tố này luôn hoạt động cùng nhau, nó giống như sự ví von với chiếc thuyền qua sông, mỗi sự quan sát đều bao gồm đủ bốn yếu tố. Lắng nghe giáo pháp và thực hành những điều này bạn sẽ không bị tái sinh vào khổ cảnh.

Gặp gỡ giáo lý của Đức Phật là yếu tố hỗ trợ quyết định (upanissaya). Những người này đã thực hành để vượt qua sự hiện hữu (vivata dana) trong thời kỳ tồn tại giáo pháp của Đức Phật (sāsana). Rất lâu trong vòng luân hồi là không tốt. Bây giờ các bạn đang có nhân duyên hỗ trợ của tiền kiếp là đã từng gặp tôi, công việc của bạn là phát triển Đạo duyên (magga paccayo). Đừng lạm dụng những cơ hội này, cơ hội được gặp gỡ lời dạy Đức Phật và vị thầy tốt là rất quý hiếm. Thật khó để được sinh ra làm người, được gặp giáo pháp của Đức Phật, được nghe giáo pháp về sự thật và hiểu những lời dạy đó. Đức Phật so sánh điều này với hai ví dụ. Đầu tiên là làm rơi một cây kim từ thế giới Phạm thiên và đâm vào cây kim khác trong thế giới loài người là điều vô cùng khó. Nhưng cơ hội gặp gỡ giáo pháp còn khó hơn thế.

Ví dụ thứ hai là có một cái ách bằng gỗ được khoét một lỗ tròn trên đó, và trôi nổi trên bề mặt đại dương. Một con rùa mù bơi trong đại dương, nó chỉ nổi lên trên bề mặt đại dương một lần trong 100 năm. Xác xuất để đầu rùa chui vào lỗ của chiếc ách vẫn có thể xảy ra. Nhưng cơ hội gặp gỡ và nghe giáo pháp còn khó hơn thế.

Hôm nay các bạn đến đây với rất nhiều khó khăn. Nếu đánh mất cơ hội này, bạn sẽ gặp nhiều khó khăn hơn. Bạn đến đây ở tuổi già cùng với người cha vô minh và người mẹ tham ái. Bạn đã lãng phí tất cả thời gian quý giá của bạn trước đây, giống như những người mù. Nếu bạn tiếp tục làm việc cho sự phát triển của vòng luân hồi bạn sẽ quay trở lại tình trạng khó khăn.

Đừng sống một cách bất cẩn. Cố gắng thực hành để hiểu biết về các uẩn, hãy loại bỏ đau khổ trước đây và chuyển sang  cuộc sống trí tuệ. Trước đây là sự ngu xuẩn bị thống trị bởi vô minh và tham ái. Vô minh là thiếu hiểu biết, là khía cạnh xấu nhưng được sử dụng giống như hiểu biết, vì vậy nó che đậy những mặt tích cực. Giống như người ta chế tạo bom nguyên tử được coi là xuất sắc. Vô minh được sử dụng  trong thế giới vật chất và trí tuệ thì vượt lên trên thế giới ấy. Dưới sự ảnh hưởng của tri thức thế gian và hiểu biết sai lầm, người ta coi những tiến bộ về mặt vật chất ở các nước phương tây, nơi không có giáo pháp sāsana là sự may mắn và phát triển. Có thể bạn nghĩ rằng họ thông minh. Thật không đáng vui mừng. Đó là sự phát triển của kiến thức sai và sự thoái hoá của kiến thức đúng.

Người có trí tuệ sắc bén có thể nhận biết cảm thọ trung tính (upekkhavedanā) trong tiến trình nhìn. Những người quan sát chậm hơn sẽ nhìn thấy cảm thọ ở giai đoạn hoạt động (vithi citta). Nói chung, người sắc bén có thể quan sát thọ trung tính ngay khi nhãn thức sinh khởi, trong khi người chậm hơn nhìn thấy thọ dễ chịu (sukhavedanā) hoặc thọ khó chịu (dukkhavedanā) ở giai đoạn sau. Bất cứ hiện tượng nào sinh khởi cũng thích hợp để quan sát. Đối với  người sắc bén (khippa ābhiññā) tại nhãn thức còn đối với người chậm chạp (dandhā abhiññā) tại quá trình nhận thức giống như tham, sân, si. Điều này phụ thuộc vào căn cơ của người thực hành vipassanā sắc bén hay chậm chạp.

Cảm thọ sinh khởi sau nhưng biến mất trước vì phụ thuộc vào các yếu tố khác. Bất cứ cảm thọ nào sinh khởi, bạn phải quan sát. Tham, sân và si sẽ sinh khởi nếu không được quan sát, nếu bạn quan sát chúng sẽ biến mất. Có ba loại cảm thọ trên sáu giác quan, tổng cộng có 18 loại cảm thọ.

Lợi ích của việc quan sát cảm thọ là như sau: Có một con bò chết,  người bán thịt lành nghề mổ con bò đó bằng con dao sắc. Có da, cơ và mô liên kết giữa da bên ngoài và thịt bên trongcủa con bò. Những thứ này kết nối da bên ngoài với thịt bên trong. Sau đó da của con bò được tách ra. Khái niệm về con bò có còn không? Chúng được gắn với nhau bởi da, cơ và các mô liên kết. Cắt bỏ chúng bằng cách sử dụng con dao của các yếu tố giác ngộ. Tham ái kéo các đối tượng bên ngoài và các căn bên trong lại với nhau. Do đó khái niệm về con bò tồn tại. Bạn không cần phải sợ các căn bên trong hay đối tượng bên ngoài, bạn phải sợ hãi tham ái gắn liền với chúng. Điều quan trọng là phải cắt đứt tham ái, để cắt đứt những cái khác cũng dựa trên tham ái.

Tốt hơn hết là nên cắt bỏ tham ái một cách trực tiếp. Tất cả các bạn đều coi những thứ bên ngoài là ‘của tôi’ và bên trong cũng là ‘của tôi’. Dính mắc với bên trong và bên ngoài là tham ái. Do đó phải cắt bỏ  tham ái, đại đức Nandaka giảng về việc cắt đứt tham ái, đồng thời các tỳ khưu ni đang lắng nghe và suy ngẫm. Khi quan sát về tính vô thường của các cảm thọ thì tham ái không thể đi vào. Các bạn hãy cắt bỏ tham ái của các mô và cơ bằng các yếu tố giác ngộ.

Trong bài kinh này chỉ nói về bảy yếu tố dẫn đến giác ngộ (bojjhaṅga) mà không đề cập đến các yếu tố của Đạo lộ. Nhưng cần lưu ý rằng hiểu được các yếu tố của giác ngộ là hiểu được Tứ Diệu Đế. Đạo lộ dẫn đến Niết Bàn và chúng có cùng chung ý tưởng. Đừng coi chúng là khác biệt. Nếu bạn thực hành chánh niệm trên bốn đối tượng Satipatthana thì bảy yếu tố giác ngộ, bát thánh đạo, ngũ căn và ngũ lực đều được bao gồm. Với 37 yếu tố Giác ngộ (bodhipakkhiya dhamma) có tất cả các yếu tố tinh thần trong đó. Bodhi là trí tuệ và pakkhiya là nhóm để biết sự thật. Không thể chỉ bằng một yếu tố, phải bằng sự kết hợp một nhóm các yếu tố mới biết được sự thật nên được gọi là Bodhipakkhiya.

Bạn hỏi rằng nên thực hành lần lượt từng yếu tố một đúng không? Tất cả bảy yếu tố của Thất giác chi đều có trong sự quan sát của bạn về tính vô thường. Trong kinh đề cập và bạn nghĩ rằng phải thực hành với tất cả chúng. Tôi sẽ giải thích thêm, khi bạn quan sát tính vô thường của cảm thọ, chánh niệm, chánh định và chánh kiến đều ở đó. Nhưng tinh tấn (viriya), hỷ (piti) và tĩnh lặng (passadhi) đi cùng với định. Bạn nên hiểu các yếu tố của Thất giác chi (bojjhaṅga) bình đẳng theo cách này. Khi bạn thấy tính vô thường, không tham và không sân sinh khởi. Bạn đang quán sát với sự quân bình của trí tuệ (vipassanāupekkha). Do đó chúng cũng bao gồm tâm xả (upekkha).

Chỉ cần biết đối tượng với sự vô thường, không có dễ chịu, không khó chịu và không nhầm lẫn (moha). Đối tượng các giác quan là trung tính (upekkha). Khi tâm quan sát cân bằng (vipassanāupekkha), thì trí tuệ trở nên sâu sắc và quân bình. Những thứ này đến từ đâu? Chúng nằm trong sự phát triển các căn. Chỉ khi đạt tới Đạo tuệ chúng mới trở thành bodhipakkhiya dhamma. Trí tuệ vipassanā là nhóm các yếu tố trên đường đến Niết Bàn, tương tự như cuộc hành trình đi đến sự kết thúc.

Đạt đến Đạo tuệ sẽ thâm nhập được vào sự thật. Nguyên nhân của giác ngộ là vipassanā bodhi. Trong Samyutta Đức Phật trả lời rằng con đường đến Niết Bàn là vipassanā. Do đó bạn sẽ kết thúc hành trình bằng tuệ giác. Trong Mahavagga Samyutta, thực hành Satipatthana trở thành Bồ đề phần. Bạn không cần phải thực hành bojjhaṅga theo cách đặc biệt, đó cũng là pháp hành Tứ Niệm Xứ, hãy quan sát và xem các uẩn của bạn là dukkha sacca bằng trí tuệ của bạn.

Tuỳ thuộc vào mức độ trí tuệ của bạn mà các hiện tượng sẽ tự hiển thị. Trong Mahavagga, Đức Phật nói rằng nếu các nhà sư thực hành Satipatthana thì tất cả được bao gồm, bằng cách đổi tên, đừng nghĩ rằng nó không được bao gồm. Định giác chi (samādhi sambojjhaṅga) nghĩa là cái thấy đúng và trạch pháp giác chi (dhammavicaya sambojjhaṅga) nghĩa là cái thấy của phân tích hoặc không lẫn lộn trong cái thấy. Cả hai đều là các yếu tố của trí tuệ. Trong thực hành vipassanā các bojjhaṅga đều được bao gồm. Tai lắng nghe giáo pháp và tâm quan sát các uẩn, sau đó tâm trở nên sắc bén. Khi thực hành cũng vậy, quá trình quan sát là trí tuệ, sau đó tâm sắc bén hơn và trở thành trí tuệ siêu việt. Cuối buổi pháp thoại, các tỳ khưu ni đã nhận ra giáo pháp theo nguyện vọng của mỗi người. Nếu nguyện vọng của bạn thấp thì mong muốn và nỗ lực thấp. Với khát vọng lớn hơn sẽ chạm tới tiêu chuẩn cao hơn. Do đó hành giả nên chỉnh đốn tâm mình để chấm dứt các khổ uẩn trong thời gian tốt đẹp này. Không có các điều kiện hỗ trợ hay các điều kiện bởi Đạo lộ thì không thể kết thúc khổ.

Sayadaw Mogok

Previous article
Next article
RELATED ARTICLES

Most Popular

Recent Comments