HomeMahatheraSayadaw MogokBốn kiểu thiền sinh

Bốn kiểu thiền sinh

Đức Phật đã sử dụng nhiều phương tiện để hướng dẫn các bạn phát triển thực hành mà không bỏ cuộc. Đầu tiên bạn cần phải quán tưởng về già, bệnh đang ở rất gần và cái chết cũng không ở xa. Chúng là nguyên nhân bởi tham ái. Chỉ có Đạo lộ (magga) mới có thể vượt qua chúng nên bạn phải nỗ lực phát triển con đường ấy. Có bốn kiểu người thực hành trên con đường này:

(1). Người khó khăn trong thực hành và chứng đắc chậm

(2). Người khó khăn trong thực hành và chứng đắc nhanh

(3). Người dễ dàng trong thực hành và chứng đắc chậm

(4). Người dễ dàng trong thực hành và chứng đắc nhanh.

Tất cả đều sẽ đạt được Đạo tuệ nhưng cách thức thực hành thì khác nhau, bạn phải tự quyết định xem mình thuộc vào nhóm nào. Không có người nào gọi là thấp kém về mặt tâm linh, tất cả đều đi tới đích, đạt được Đạo và Quả, khác biệt ở đây chỉ là chứng đắc nhanh hay chậm.

Tại sao kiểu người đầu tiên lại khó khăn trong thực hành? Bởi vì khi quán tưởng về tính vô thường thì phiền não xen vào nên mất nhiều thời gian để di chuyển phiền não ra ngoài. Với người có phiền não sâu dày thì việc thực hành khá khó khăn. Đức tin (saddha) chưa lớn mạnh, nỗ lực (viriya) chưa mạnh mẽ, chánh niệm (sati) chưa sắc bén, định tâm (samādhi) trên đối tượng chưa đủ lực và trí tuệ (panna) thì yếu. Người căn cơ yếu kém thì thực hành sẽ khó khăn  quá trình chứng đắc sẽ chậm chạp. Nói ngắn gọn là do trí tuệ chưa sắc bén. Đức Phật nói rằng nhóm người đầu tiên có rất nhiều phiền não và năng lực tu tập còn yếu, vì phiền não luôn xen vào trong quá trình quán tưởng về vô thường, do đó tâm sẽ hướng về nhà hoặc đi nơi khác. Họ gặp khó khăn trong thực hành nên cần nhiều thời gian để xua tan phiền não. Cách khắc phục là quán tưởng về tính vô thường của bất cứ phiền não (kilesa) nào khi chúng xuất hiện. Theo cách này khó khăn biến mất và trí tuệ trở nên sắc bén.

Trí tuệ gần gũi hơn nếu bạn có thể quan sát phiền não nhiều hơn. Lý do trí tuệ chưa sắc bén vì có khoảng cách quá lớn giữa các tâm quan sát. Khi tâm quan sát trở nên khăng khít, hiểu biết phát sinh liên tục, sau đó các phẩm chất tâm linh phát triển và lớn mạnh, trí tuệ vipassanā tiến đến gần hơn. Quan sát liên tục thì trí tuệ trở nên sắc bén hơn, cứ như vậy kiểu người thứ nhất sẽ trở thành người thứ tư.

Kiểu người thứ hai là những người có nhiều phiền não nhưng trí tuệ sắc bén. Vì vậy nếu người này quan sát tính vô thường của tất cả các phiền não sẽ trở thành người thứ tư. Nếu vượt qua phiền não thì sẽ cho kết quả nhanh chóng. Nhưng nếu không được giúp đỡ từ người thầy tâm linh hay đổ lỗi cho các ba la mật (parami) mà bỏ cuộc thì đó là một sai lầm lớn. Cách thức hướng dẫn của các vị thầy cũng tạo ra sự khác biệt, gặp được một người thầy tốt có nghĩa là bạn có ba la mật tốt. Như trường hợp người đệ tử của ngài Sariputta, là một thợ kim hoàn đã được Đức Phật hướng dẫn và nhanh chóng giác ngộ.  

Quan sát bất cứ tâm nào sinh khởi sẽ không dẫn tới đau khổ. Nếu phiền não xen vào giữa quá trình quan sát thì quá trình duyên sinh sẽ tiếp tục vận hành và dẫn tới đau khổ. Vì vậy hãy quan sát để dừng lại quá trình duyên sinh, quá trình này sẽ bị cắt bỏ bởi Niết Bàn. Mỗi khi phiền não sinh khởi hãy quan sát chúng, nghĩa là bạn đang đến gần Niết Bàn hơn bởi vì tham ái (taṇhā), dính mắc (upadana) và nghiệp (kamma) bị xua tan trong Niết Bàn.

Đối với kiểu người thứ ba thì có ít phiền não hơn nên không khó khăn trong thực hành. Nhận thức chậm là do trí tuệ phát sinh chậm. Sự chậm chạp này là do thực hành chưa nỗ lực, người này cần phải tăng cường nỗ lực hơn nữa. Không khó khăn nghĩa là thực hành một cách dễ dàng. Với sự nỗ lực mạnh mẽ, bạn phải quán tưởng về tính vô thường của bất cứ cái gì sinh khởi. Nếu cái chết đến sớm hơn thì là một mất mát lớn, suy ngẫm theo cách này sẽ giúp bạn nỗ lực hơn rất nhiều trong việc thực hành, cái chết đến ngay cả với những người có ít phiền não hơn. Tuổi thọ của chúng ta rất ngắn ngủi, nó chỉ tồn tại trong mỗi lần hít vào và thở ra.

Tất cả các bạn thích kiểu người thứ tư hơn. Các ba la mật của bạn liên hệ với cả bốn kiểu người này, nhưng qua sự giúp đỡ từ người thầy trí tuệ bạn trở thành kiểu người thứ tư. Có nhiều người thứ tư hơn trong thời Đức Phật, ngày nay có nhiều người thứ nhất hơn. Đừng quên lời dạy này cho đến khi bạn qua đời.

Bài liên quan