Thứ Hai, Tháng Ba 20, 2023
HomeDhammasSammaditthiPháp thoại với U-Pe-Win

Pháp thoại với U-Pe-Win

U Pe Win: Thưa ngài, con là một tín đồ của đức tin khác. Con đã đặt câu hỏi về những điều con nghi ngờ tới nhiều người từ các tôn giáo khác nhau, nhưng chưa ai đưa ra câu trả lời đủ để làm con hài lòng. Từ những gì được nghe, con biết rằng Phật giáo dạy về giới đức. Khi con đến phương Tây, con đã thảo luận về tôn giáo, chính trị, kinh tế với giới tinh hoa đến từ những nước phát triển. Theo đức tin của họ, không bao giờ có thể đạt được thành tựu trọn vẹn khi con người thực hành, Niết Bàn không thể đạt được.

Đối với họ, niềm tin là chính. Chỉ có niềm tin vào Đức Chúa Trời của họ thì mới được cứu rỗi và Thiên Đàng sẽ đạt được. Điều con muốn hỏi ngài là liệu con người có thể đạt được Niết Bàn thông qua thực hành không, và Thiên Đàng có thể đạt được bằng cách thức như đã ghi trong Kinh Thánh không? Con người có thể thực hành tới mức độ nào? Thực hành được là rất tốt, nhưng ở trên đời tâm bất thiện chiếm ưu thế. Xin ngài hãy giải thích để con có thể hiểu được.

Sayadaw: Tôi sẽ giải thích, hãy lắng nghe. Thực tế mà nói, có đức tin thì mới tin vào người khác và có niềm tin vào chính mình. Khi nói ‘người khác’, đó không ai khác chính là ‘Chúa’ mà mọi người đều tin tưởng hoặc tôn kính, cũng như các nhà sư đang được tôn kính tại các ngôi làng. Vì vậy niềm tin này kết thúc ở nơi người khác. Nếu bạn nói “Thượng đế vĩnh cửu”, thì điều này kết thúc bằng “Thượng đế vĩnh cửu”. Bởi vì bạn có đức tin nơi Ngài, dù tốt hay xấu, đều kết thúc ở Ngài, sự khôn ngoan của chính bạn không có ở đó. Chúng kết thúc bằng những gì đã được lưu truyền qua nhiều thế hệ. Sẽ tốt hơn nếu bạn thực sự biết điều đó và nói ra điều đó.

Nếu anh ta không biết rõ và anh ta đang nói từ trí tưởng tượng, thì trí tuệ của bạn sẽ kết thúc ở miệng của anh ta. Trí tuệ của bạn không vượt quá những gì anh ta nói. Con đường của bạn kết thúc với những kiến thức ít ỏi mà anh ta có. Thậm chí nếu bạn không biết những gì anh ta biết, thì cuối cùng bạn biết ít hơn anh ta.

Đức Phật không thích tin vào người khác. Chỉ với niềm tin thôi là chưa đủ, hãy lưu ý rằng niềm tin kết thúc ở miệng của người khác. Nó không được phân tích xem đây là miệng tốt hay miệng xấu. Không phân tích có nghĩa là bạn là người không khôn ngoan, thiếu hiểu biết.  

U Pe Win: Thưa ngài, từ những gì con biết, Đức Chúa Trời của họ nói: “Hãy hoàn toàn tin tưởng vào tôi. Nếu bạn hoàn toàn tin tưởng vào tôi, thì tôi sẽ cứu bạn.”

Sayadaw: Điều này là thông qua trí tuệ của chính bạn hay từ việc nghe người khác nói?

U Pe Win: Nghe từ người khác nói, thưa ngài.

Sayadaw: Những suy nghĩ của riêng bạn có thông qua trí tuệ của chính bạn không?

U Pe Win: Không, thưa ngài.

Sayadaw: Do đó bạn kết thúc ở cái miệng của người khác.

U Pe Win: Thưa ngài, vậy thì làm thế nào để biết là đúng?

Sayadaw: Với kiến thức của riêng bạn, hãy nhìn vào các uẩn của chính bạn. Sau đó hãy tự quyết định điều gì đang xảy ra với mình. Chỉ khi bạn tự mình biết và tin vào điều đó thì sự thật mới đạt được. Tin những gì người khác nói, bạn sẽ không đạt được sự thật. Hãy để tôi hỏi bạn, nếu bạn muốn làm điều gì đó, tin những gì người khác nói và tin sau khi bạn đã tự mình kiểm tra, bạn sẽ tin vào điều nào?

U Pe Win: Con sẽ tin tưởng vào những gì đã tự mình kiểm tra, thưa ngài.

Sayadaw: Sau đó, nảy sinh một vấn đề. Nếu thầy của bạn không hướng dẫn bạn, bạn sẽ làm gì? Có hai loại giáo viên, giáo viên dạy đúng và giáo viên dạy sai. Hãy tự mình phân tích điều mà giáo viên của bạn đã dạy. Cho dù giáo viên của bạn dạy điều gì đó đúng hay sai, hãy tìm hiểu và kiểm tra điều đó với thân tâm của bạn. Chấp nhận những gì đến cùng với thân tâm như nó đang là. Lời dạy ở đó và bạn phải kiểm tra chính mình. Chỉ khi nó cân bằng, hãy chấp nhận điều đó. Bạn có hiểu không?

U Pe Win: Thưa ngài, con hiểu. Họ cho con ví dụ, đối với người Miến Điện, đó là Niết Bàn, trong Thiên chúa giáo đó là Thiên Đường. Cũng như bờ biển bên này và bờ biển bên kia. Bên này là thế gian, bên kia là xuất thế gian. Có một người cố gắng bơi để vượt qua biển. Chúng con là những người đang cố gắng bơi qua biển, những người giữ giới là những người cố gắng bơi qua biển. Họ nói rằng người đang cố gắng bơi qua biển sẽ không thể sang đến bờ bên kia nếu không có sự giúp đỡ. Đức Chúa Trời của họ nói rằng tin Ngài giống như đang ở trên một chiếc bè và chắc chắn sẽ đưa họ đến bờ bên kia. Nếu tự mình thực hành theo Phật Giáo, và bơi qua biển, không có nghĩa là sẽ thành công.

Sayadaw: Trong tai của chúng ta, của bạn và của tôi, điều này có thể đúng. Bạn nhận lấy chiếc bè mà Ngài có thể ban cho bạn. Bạn có thể cưỡi bè của Ngài chỉ với đức tin. Bạn hỏi họ sử dụng cái gì, và họ trả lời rằng sử dụng cái bè siêu năng lực của Ngài. Với chiếc bè đến từ siêu năng lực này, bạn sẽ đến được bờ bên kia.

U Pe Win: Đó là bởi vì họ tin vào sự sáng tạo, thưa ngài.

Sayadaw: Nếu Ngài có thể tạo ra con người, tại sao Ngài không thể giúp tất cả con người lên Thiên đàng?

U Pe Win: Đức Chúa Trời tạo ra con người, và nói rằng nếu chúng ta tin Ngài, thì chúng ta sẽ rất dễ dàng để lên được Thiên đàng. Họ nói rằng trong Phật Giáo không đề cập đến việc con người được đưa đến bờ bên kia bởi Đức Phật. Nếu phải tự mình luyện tập thì làm sao có thể bơi qua biển cả bao la. Vì vậy họ cho rằng đức tin của họ rất đáng tin cậy.

Sayadaw: Được rồi, để tôn giáo và đức tin của họ sang một bên, chúng ta sẽ kiểm tra chúng. Tôi giả sử rằng nếu có đức tin nơi Ngài, thì Ngài có thể cứu chúng ta khỏi mọi sự nhưng Ngài không thể cứu những người không có đức tin nơi Ngài. Ngài không thể làm gì đối với những người không có đức tin nơi Ngài, nghĩa là Ngài sẽ bỏ qua họ? Sau đó, nếu Ngài bỏ qua những người này, thì Ngài có lòng từ bi thật sự với tất cả mọi người không?

U Pe Win: Thưa ngài, con đã hỏi họ. Họ nói, chất độc dù được uống bởi những người biết nó và những người không biết nó đều gây ra cái chết. Những người không có niềm tin giống như những người đang uống thuốc độc, nên sẽ không được cứu. Theo quan điểm của họ, cho dù họ có thể phạm tội như thế nào, thì cũng giống như cha mẹ luôn tha thứ cho con cái. Làm sao Đức Chúa Trời tạo ra họ lại không tha thứ cho họ? Đức Chúa Trời tha thứ cho tội nhân nếu tội nhân ăn năn tội lỗi của mình một cách đúng đắn.

Sayadaw: Chúng ta hãy làm sáng tỏ quan điểm này. Điều này có nghĩa là nếu gần chết một người nhớ lại các tội lỗi, thì tội lỗi sẽ được tha thứ và có quả báo tốt?

U Pe Win: Vâng thưa ngài.

Sayadaw: Trong đức tin của chúng tôi, khi một người gần đến cái chết, dù có tin Đức Phật hay không, anh ta đều nhìn thấy con đường mình sắp đi. Người sắp đoạ địa ngục nhìn thấy lửa địa ngục, người trở thành ngạ quỷ nhìn thấy khu rừng, đồi núi, vách đá. Người này không thể thay đổi những hình ảnh đó bằng bất cứ cách nào. Không ai có thể cứu người này, anh ta đang kiệt sức. Trước khi chết anh ta nhìn thấy những thứ này, nếu bạn không tin hãy để ý những người sắp chết. Nếu một người đã làm điều ác trong cuộc đời của mình, lúc sắp chết nước mắt sẽ chảy ra trên khuân mặt người đó. Vặn đi xoay lại, cho dù không thể chịu nổi nhưng anh ta không thể thay đổi được. Những điều anh ta đã làm đã sai, anh ta chắc chắn sẽ phải đi con đường đó. Giờ thì anh ta đã biết con đường mình phải đi nhưng lúc này không còn ai cứu được anh ta nữa. Anh ta muốn để lại những lời nhắn nhưng không còn thời gian để nói, đây là những gì Đức Phật đã dạy chúng tôi.

Tôi có thể dẫn chứng từ nhiều bài kinh. Một người có cuộc sống hạnh phúc khi gần chết sẽ thấy những dấu hiệu hạnh phúc. Những người rơi xuống các cõi khổ sẽ nhìn thấy các dấu hiệu đáng sợ. Tôi sẽ giải thích tại sao người này không thể nhớ bất cứ ai vào thời điểm này. Đó là do các tâm cận tử. Sau tâm tử, thức tái sinh sinh khởi trong kiếp sống mới. Tại thời điểm đó thậm chí Đức Phật cũng không thể ra tay cứu giúp.

Tâm lúc hấp hối sẽ nhìn thấy con đường sắp đi. Nếu những việc tốt đã được thực hiện trong cuộc sống, tâm sẽ nhìn thấy con đường tốt sắp đi, nếu những việc ác đã được thực hiện, tâm sẽ thấy con đường đáng sợ sắp đến. Sau khi nhìn thấy những thứ này, cái chết sẽ đến. Đây có phải là lúc mà người ta có thể cầu xin sự tha thứ không? Không phải lúc. Như vậy theo quan điểm của họ, cho rằng sau khi làm các việc ác ở đời, và ăn năn ngay trước khi chết, thì vẫn có thể được cứu rỗi. Hãy suy nghĩ về điều này một cách cẩn thận, liệu có khả năng thành công không?

Sau khi nhìn thấy năm tâm đổng lực khi hấp hối, người làm điều tốt sẽ được tái sinh ở cảnh giới tốt. Có một loại niềm tin, tin những gì người khác nói. Có một loại niềm tin khác, tin tưởng sau khi sau khi đã tự mình kiểm tra điều đó. Cái nào nên được tin tưởng hơn?

U Pe Win: Điều đã được thử nghiệm rồi mới tin là đúng, thưa ngài.

Sayadaw: Đúng, Đức Phật chỉ hướng dẫn điều này, Ngài không phải là một vị cứu tinh. Ngài là thầy thuốc hướng dẫn chúng ta, nếu bạn uống thuốc mà tôi cho bạn, bạn sẽ khỏi bệnh. Bạn không thể được chữa khỏi chỉ bằng cách thốt lên “hãy chữa khỏi bệnh”. Đây là sự khác biệt lớn. Đức Chúa Trời là người chữa bệnh bằng đức tin, còn Đức Phật là một thầy thuốc. Tôi sẽ cho bạn thuốc, hãy dùng nó và sẽ được chữa trị. Đối với những người bị chứng khó tiêu, thuốc tiêu hoá sẽ được dùng. Ai đang bị tiêu chảy thì dùng thuốc tiêu chảy. Chỉ nói rằng “hãy có cách chữa trị”, thì không có cách chữa trị nào cả. Đối với người bị rắn cắn, cần phải tiêm huyết thanh ngay, nếu chỉ nói “được chữa khỏi” sẽ không có ích gì.

Họ nói họ sẽ đến Thiên đàng, chúng tôi cũng phải nói rằng chúng tôi sẽ đạt được Niết Bàn. Họ được đưa đến Thiên đàng trên một chiếc bè do Đức Chúa Trời vĩnh cửu làm nên. Đối với chúng tôi không giống như vậy. Chúng tôi sẽ phải tự làm chiếc bè, và phải băng qua đại dương bằng chiếc bè do chính chúng tôi làm ra. Tuổi già, bệnh tật, cái chết có thể tránh được hay không?

U Pe Win: Thưa ngài, không thể tránh khỏi.

Sayadaw: Bây giờ chúng ta đang ở trên con đường mà không thể tránh khỏi, vậy thì có con đường khác nào  ngoài con đường này không? Nếu có một con đường già, bệnh, chết thì phải có một con đường không già, không bệnh, không chết. Có bệnh thì phải có thuốc chữa. Đức Phật đã chỉ cho chúng ta hai con đường, ngoài con đường già, bệnh, chết còn có một con đường khác không có già, không có bệnh và không có cái chết.

Các uẩn này thường xuyên bị giày vò bởi sự già nua, ốm yếu và cái chết. Tuy nhiên những ai mong muốn sau cuộc sống này có một cuộc sống khác mang lại hạnh phúc hơn, như những người đàn ông giàu có hay những vị thần sức mạnh, thì họ đang đi trên con đường mà ở đó có sự già, bệnh và cái chết tồn tại. Những ai không dính mắc vào các uẩn này sẽ không đi theo con đường mà ở đó có sự già, bệnh tật, và cái chết tồn tại. Dính mắc với các uẩn này, bạn sẽ thích nó nếu bạn có, và mong muốn trong kiếp sau các uẩn sẽ tốt hơn. Nếu vậy, các uẩn trong kiếp sau vẫn sẽ là năm uẩn. Những gì bạn có bây giờ cũng là các uẩn, tất cả các uẩn đều là già, bệnh và chết. Các uẩn là con đường của lão hoá, bệnh tật và cái chết, không có các uẩn là con đường không có già, bệnh và chết. Có hai con đường, bạn chọn con đường nào?

U Pe Win: Thưa ngài, con chọn con đường không có già, bệnh và chết.

Sayadaw: Tôi thích điều đó. Quyết định của bạn sẽ dẫn đến biết được Pháp giác ngộ trong đời sống này. Cho dù một người có thể giàu sang đến đâu trong cuộc sống này, nếu người đó không biết đường đi, thì các uẩn không trở nên ít đi. Sau đó người này sẽ bị già, bệnh và chết. Bây giờ bạn đến để không thích già, bệnh, chết, nhưng bạn vẫn đang già đi, bệnh tật và sẽ chết. Bạn phải sợ hãi. Bây giờ tôi biết bạn muốn đi con đường nào, dù cho bạn đang sống trong một ngôi biệt thự mạ vàng, nhưng nếu đó là con đường có sự già nua, bệnh tật, chết chóc thì bạn cũng không muốn.

Con đường của già nua, bệnh tật và cái chết là con đường của tà kiến (micchadiṭṭhi). Ngược lại là con đường không có già nua, không có bệnh tật, không có cái chết, là con đường của chánh kiến (sammādiṭṭhi). Con đường tà kiến sẽ dẫn đến già, bệnh và chết, con đường chánh kiến là con đường tự do khỏi những điều này.

Người nào dính mắc vào các uẩn này, khi chết sẽ ném xuống các uẩn này, nhưng sẽ phải chịu gánh nặng của các uẩn khác. Rồi anh ta tiếp tục gặp lại sự già nua, bệnh tật, chết chóc. Người nào không dính mắc vào các uẩn hiện tại sẽ không có các uẩn trong tương lai. Hãy hỏi tôi cách không dính mắc vào các uẩn hiện tại. Khi đó bạn sẽ không bị già nua, bệnh tật, chết chóc. Con đường không thoát khỏi già, bệnh, chết gắn liền với các uẩn hiện tại. Mong muốn về các uẩn tương lai tốt hơn các uẩn hiện tại, người như vậy có hai loại tham ái (taṇhā). Người nào có hai loại tham ái này sẽ bị già, bệnh, chết trong sự hiện hữu ở tương lai. Không dính mắc vào các uẩn hiện tại sẽ không dính mắc vào các uẩn tương lai. Người nào biết năm uẩn là già, bệnh, chết sẽ không bị già, bệnh, chết nữa.

Khi được hỏi ai tạo ra các uẩn già, bệnh, chết này, sẽ không có Thượng đế. Chúng được tạo ra bởi tham ái, bởi vì có tham ái nên có các uẩn già, bệnh và chết. Bây giờ thủ phạm đã được tìm thấy. Đó không phải là Thượng Đế vĩnh cửu, cũng không phải là Đức Phật tạo ra sự già nua, ốm yếu, chết chóc. Tham ái được gắn vào các uẩn và tạo ra chúng. Vậy con đường kết thúc ở miệng của người khác hay do chính bạn nhận ra? Bạn tin vào những gì người khác nói hay chính bạn nhận ra? Tự mình nhận ra là kiến thức paccakkha. Còn ham muốn về các uẩn thì còn tạo ra già, bệnh, chết. Làm cho ham muốn của bạn không còn nữa sẽ dẫn đến tự do khỏi già, bệnh, chết. Vì vậy thoát khỏi ham muốn là quan trọng nhất. Bây giờ bạn đã hiểu điều này chưa?

U Pe Win: Thưa ngài con đã hiểu.

Sayadaw: Nếu bạn hiểu điều này, bạn đang bắt đầu hiểu sự thật (sacca), bạn phải nhớ rằng nguyên nhân của đau khổ (samudaya sacca) cần phải được thoát khỏi. Sự thật của samudaya sacca là ái (taṇhā), khi ái bị cắt đứt, công việc của bạn sẽ xong. Bây giờ bạn có tin rằng cắt bỏ sự thèm muốn sẽ giúp hoàn thành nhiệm vụ của bạn không? Đừng tin những gì Thượng Đế nói, đừng tin những gì Đức Phật nói. Hãy quyết định bằng chính mình, sau đó tin vào điều đó. Cái nào tồn tại lâu hơn, đau khổ do hận thù hay đau khổ do dính mắc?

U Pe Win: Thưa ngài, đau khổ do dính mắc tồn tại lâu hơn.

Sayadaw: Đúng vậy, khi sân hận, bạn bỏ đi, nhưng khi dính mắc bạn không thể cắt bỏ. Không thể cắt bỏ là do tham ái nằm phía sau nó. Không thoát khỏi tham ái, sẽ có các uẩn. Chỉ khi không dính mắc vào các uẩn thì bạn mới không mệt mỏi với các uẩn này. Bạn cho các uẩn này ăn vừa đủ để nó tiếp tục. Biết rằng các uẩn trong tương lai cũng sẽ dẫn đến già, bệnh, chết, liệu bạn còn mong muốn điều đó không?

U Pe Win: Thưa ngài, con sẽ không mong muốn chúng nữa.

Sayadaw: Không còn mong muốn thì bạn còn thực hiện những điều ước thông thường nữa không?

U Pe Win: Thưa ngài con sẽ không thực hiện những mong muốn thông thường.

Sayadaw: Không có mong muốn, bạn cần thực hành để đạt được điều đó. Bạn phải thực hành. Bạn bị lở loét và những người khác nói “hãy  chữa khỏi bệnh” sẽ không giúp bạn chữa khỏi. Bạn phải sử dụng đúng toa thuốc, rồi sẽ có thuốc chữa. Do đó phải dựa vào chính bản thân bạn. Thời Đức Phật có tỳ khưu Vakkali, người ngưỡng mộ Đức Phật đến nỗi không rời khỏi Đức Phật. Đức Phật nói với vị ấy rằng không được ở gần Ngài nữa vì làm như vậy sẽ không có kết quả. Đức Phật đuổi vị ấy đi và yêu cầu vị ấy phải tự mình thực hành.

U Pe Win: Thưa ngài, con có thể hỏi ngài một câu hỏi được không?

Sayadaw: Hãy hỏi đi.

U Pe Win: Con muốn biết liệu con có thể đạt được giải thoát thông qua thực hành không, thưa ngài?

Sayadaw: Để biết được điều này, bạn cần phải thực hành. Không thực hành, điều này không thể đạt được. Để được giải thoát, không chỉ thực hành một lần, mà bạn phải tập đi tập lại vô số lần. Bạn cứ tiếp tục như vậy cho đến khi bạn trở thành một chuyên gia. Hãy nghĩ về việc bạn lái xe ô tô. Nếu bạn không tập lái, không thực hiện đúng cách thì bạn không thể lái được xe ô tô. Nếu ai đó đã tập lái tốt, thì khi bắt đầu lái xe anh ta có thể lái được ngay lập tức. Chỉ khi nào chưa làm tốt bạn mới phải tập đi tập lại, nhưng khi công việc của bạn đã hoàn thành, bạn không cần phải luyện tập thêm. Khi đó, bạn có cần phải luyện tập thêm không?

U Pe Win: Thưa ngài, không.

Sayadaw: Trong số những người thực hành, người có trí tuệ sắc bén có thể nhận ra sự thật ngay khi thực hành chỉ một lần. Nhưng người không có trí tuệ sắc bén phải thực hành nhiều lần. Điều này tuỳ theo sức mạnh của trí tuệ. Tất cả những người thực hành đều không thể mong đợi điều tương tự.

Họ nói rằng thực hành là không thể, Niết Bàn không thể đạt được thông qua thực hành. Họ nói rằng họ có thể đến Thiên đường chỉ nhờ sự cứu rỗi. Hãy suy nghĩ về điều đó. Bạn đang dựa vào những gì người khác nói, nỗ lực của chính bạn có ở đó không? Bạn có cuộc sống thịnh vượng, bạn được tôn trọng. Sự thịnh vượng của bạn là do người khác trao cho bạn hay bạn đã phải làm việc để có được điều đó?

U Pe Win: Con thịnh vượng vì con đã làm việc cho điều đó.

Sayadaw: Bạn có tin vào sự cứu rỗi mà người khác nói với bạn không? Nếu Ngài có thể đến cứu bạn, Ngài sẽ giúp bạn thoát khỏi cảnh nghèo khổ. Ngài sẽ chữa khỏi bệnh cho bạn. Ngài sẽ cứu bạn thoát khỏi già, bệnh, chết. Khi đó mới có thể nói rằng Ngài cứu bạn. Nhưng liệu Ngài có thể ngăn chặn sự già nua, bệnh tật, cái chết trong bạn không, để không còn sự già, không còn bệnh tật và cái chết không đến với bạn nữa. Nếu không thì Ngài không có quyền năng để cứu người người khác.

U Pe Win: Nhưng thưa ngài, liệu con người có thể tuân theo phương pháp mà Đức Phật đã hướng dẫn không? Nếu con người không thể thực hành, thì nói về thực hành cũng chẳng lợi ích gì.

Sayadaw: Có hai cách thực hành, thực hành pháp thế gian và thực hành pháp siêu thế. Bạn đã học tập bao nhiêu năm để lấy được bằng cử nhân. Đối với người có trình độ dân trí cao, họ phải học tập trong khoảng mười bốn năm. Bạn đã học đi học lại để không quên kiến thức. Điều này xảy ra vì bạn nói “hãy để điều này xảy ra” hay bạn đạt được vì bạn đã làm việc nỗ lực cho điều đó? Chỉ khi bạn làm việc chăm chỉ, bạn mới sở hữu được những điều như vậy. Bạn học và làm cho công việc thế gian như thế nào thì bạn cũng phải thực hành giáo pháp giống như vậy.

U Pe Win: Thưa ngài, đây là điều con muốn biết. Con đã suy nghĩ khoảng một năm về việc thực hành. Con nghĩ rằng mình không bao giờ có thể đạt được với khả năng của chính mình. Học tập lấy được bằng cử nhân, nhưng nếu chúng ta thực hành, tại sao chúng ta lại không thể đạt được? Con muốn biết điều này rõ ràng.

Sayadaw: Tôi sẽ giải thích điều này theo một cách khác. Bạn lấy bằng cử nhân và bằng thạc sĩ, bạn làm việc với người nước ngoài, bạn hiểu ngôn ngữ của họ. Bạn không cần phải cố gắng nhiều hơn cho ngôn ngữ Miến Điện vì đây là ngôn ngữ của tổ tiên bạn. Khi mới sinh ra, trước tiên cha mẹ bạn sẽ dạy bạn rằng, đây là cha, đây là mẹ, ăn cơm trước, uống nước sau. Sau đó trở thành thói quen. Trong mọi công việc đều phải có sự luyện tập. Có một loại thực hành do cha mẹ dạy, có một loại thực hành khác do Đức Phật dạy. Người được cha mẹ dạy dỗ thì không thoát khỏi già, bệnh và chết, còn người được Đức Phật dạy thì tự do khỏi già, bệnh và chết. Vì vậy bạn phải thực hành theo cách để thoát khỏi những điều đó.

U Pe Win: Thưa ngài, điều con đang muốn nói là tất cả mọi người đều đang thực hành, nhưng Niết Bàn không thể đạt được. Cuối cùng thì nó vẫn nằm ngoài tầm với. Con đường thực sự ở đó, chúng con đều đi trên hành trình đó, nhưng không thể đến được điểm cuối cùng của hành trình. Đây là giả định của con, thưa ngài.

Sayadaw: Đừng tư duy theo cách này, nó không giống như vậy. Giữa Đức Phật hiện tại và Đức Phật kế tiếp, bề mặt trái đất sẽ dày thêm một do tuần (yojana). Nếu trái đất không bị phá huỷ, bề mặt trái đất sẽ tăng thêm 13 dặm. Nó không phải là rất cao? Một người muốn trở thành một vị Phật phải thực hành cho đến khi bề mặt trái đất tăng lên 13 dặm. Bạn không nghĩ đến việc trở thành một vị Phật và chỉ muốn thoát khỏi sự già, bệnh, chết thì nếu bạn bắt đầu thực hành vào buổi sáng, bạn thậm chí có thể đạt được giải thoát vào buổi tối. Tôi chỉ nói điều này một cách ngắn gọn. Đức Phật thực hành vì Ngài muốn cứu độ chúng sinh nên Ngài phải mất nhiều thời gian cho việc thực hành. Nhưng đối với chúng ta, thực hành chỉ để thoát khỏi đau khổ, do đó không mất nhiều thời gian.

U Pe Win: Vâng thưa ngài, việc cố gắng giải thoát cho chính mình sẽ dễ dàng hơn. Cần nhiều thời gian hơn để trở thành một vị Phật và hướng dẫn người khác tự cứu bản thân họ.

Sayadaw: Đúng vậy, điều này phụ thuộc vào mục đích. Đối với người đã có bằng cử nhân, lấy bằng thạc sĩ cần phải học thêm hai năm, để giúp cho người đó có vị trí cao trong xã hội. Đối với hạnh phúc của riêng bạn, bạn sẽ không mất nhiều thời gian, nhưng để hướng dẫn và giúp đỡ người khác, bạn sẽ mất nhiều thời gian hơn.

U Pe Win: Đây là điều quan trọng với con, thưa ngài. Mục đích của con không phải là cứu vớt những người khác.

Sayadaw: Bạn bắt đầu thực hành vào buổi chiều và có thể được giải thoát vào sáng hôm sau, sau đó bạn sẽ đi trên con đường không có già, bệnh, chết. Nhưng trước đó bạn phải bắt được thủ phạm và loại bỏ thủ phạm này. Nếu bạn dính mắc vào các uẩn hiện tại, hoặc bạn mong muốn cho các uẩn ở tương lai, thì tiến trình của các uẩn sẽ tiếp tục. Không mong muốn các uẩn trong hiện tại thì sẽ không mong muốn các uẩn trong tương lai. Có như vậy thì kiếp này mới xong nhiệm vụ.

Bây giờ bạn đã tìm ra thủ phạm, đó chính là tham ái. Bạn sẽ thoát khỏi thủ phạm này nhưng bạn không thể đột ngột xua đuổi chúng. Chúng sẽ bào chữa. Trước khi bạn tìm ra thủ phạm, điều này không hề dễ dàng. Bạn muốn hơ nóng da của mình gần lửa vì có vết loét. Khi vết loét được chữa khỏi, bạn không còn muốn hơ nóng nữa. Tất cả những gì tôi phải làm bây giờ là kê cho bạn một toa thuốc để chữa khỏi vết loét, nhiệm vụ của là phải tự dùng thuốc. Bạn còn bố mẹ không?

U Pe Win: Thưa ngài, không.

Sayadaw: Bạn đã không thể cứu được họ. Là vì bạn không thương yêu họ hay bạn phải để họ ra đi mặc dù bạn yêu thương họ?

U Pe Win: Con đã phải để họ ra đi mặc dù con rất yêu thương họ.

Sayadaw: Không có gì trên thế giới có thể cứu chúng ta thoát khỏi già, bệnh, chết. Điều này chỉ tồn tại bên ngoài thế giới. Chúng ta phải đến nơi không có già, bệnh, chết. Nếu có nóng và lạnh, có bóng tối và ánh sáng, có mùa đông và mùa hè, có già, bệnh, chết thì cũng sẽ có không già, không bệnh, không chết. Đây là quy luật của tự nhiên. Điều gì tạo nên già, bệnh, chết? Tham ái (taṇhā) mong muốn các uẩn trong tương lai, và thực hiện nó. Vì vậy hãy nhổ tận gốc dễ tham ái, để loại bỏ thủ phạm của già nua, bệnh tật và chết chóc, và đi đến siêu thế gian, nơi không còn những thứ này.

Để thoát khỏi tham ái, chúng ta hãy quay trở lại pháp mà chúng ta đã thảo luận. Năm uẩn được chia làm danh uẩn và sắc uẩn. Hãy đi đến một nơi vắng vẻ, nơi bạn không còn nghe thấy tiếng con trai và con gái của bạn, rồi thực hành quan sát các uẩn. Quan sát trên tâm và quan sát trên thân. Hãy quan sát và chấp nhận những gì các uẩn nói cho bạn là đúng, hãy tin điều gì đó chỉ khi bạn tận mắt chứng kiến. Tôi đang cung cấp cho bạn phương pháp, đó là phương pháp của Đức Phật. Nhưng khi bạn thực hành, bạn phải phát triển quan điểm của chính mình. Bạn cần phát triển những gì? Quan sát các uẩn, trong các uẩn chỉ có thân và tâm. Quan sát hai thứ này, bạn sẽ thấy rằng tâm muốn ăn sinh khởi, tâm muốn ngủ sinh khởi, rồi muốn nói, muốn đi đây đó,… Tâm thường xuyên thay đổi đúng không?

U Pe Win: Đúng vậy, thưa ngài.

Sayadaw: Khi chúng ta nói tâm thay đổi, có nghĩa là một tâm vừa mất đi, và ngay sau đó một tâm mới xuất hiện. Không có hai tâm nào có thể sinh khởi đồng thời. Vậy bạn có quản lý được tâm của mình không?

U Pe Win: Con không thể, thưa ngài.

Sayadaw: Đừng sống chung với thứ mà không thể quản lý được. Nếu bạn sống chung với nó, bạn sẽ luôn đau khổ. Biết rằng không thể điều khiển được tâm của mình, nên bạn hiểu rằng việc ở lâu với tâm này là vô ích. Trong Phật giáo điều này gọi là vô ngã. Bạn sẽ tiếp tục bị hành hạ cho đến khi bạn có thể quản lý được. Chúng không chỉ ra lệnh cho bạn ngồi, chúng cũng sẽ ra lệnh cho bạn đứng, bạn đi, bạn khóc và ra lệnh cho bạn chết.

Vì vậy bạn cần phải chinh phục chúng, chúng thì vô dụng. Một khi bạn biết rằng chúng đang hành hạ bạn, bạn sẽ chán gét thân tâm này, bạn không còn muốn nó nữa. Bạn không muốn tâm này chút nào nữa. Tôi sẽ cho bạn biết như thế nào cơ thể vật lý này không được mong muốn. Bạn sẽ phải cố gắng không mong muốn cả hai, thân và tâm, cả hai kết hợp lại cho ra năm uẩn. Bây giờ bạn đang ngồi, bạn không thể yêu cầu cơ thể mình không di chuyển, không được thay đổi vị trí. Sẽ có cảm giác tê, cứng. Liệu cơ thể có tuân theo mệnh lệnh của bạn, có duy trì theo cách mà bạn muốn không?

U Pe Win: Không, thưa ngài.

Sayadaw: Nếu cơ thể không tuân theo cách bạn muốn, thì bạn có sở hữu nó không? Vậy thì thân tâm này có phải là điềm lành không, khi mà phải sống chung với thứ mà bạn không sở hữu?

Yogi: Không phải thưa ngài.

Sayadaw: Yêu mến năm uẩn, liệu các uẩn trong tương lai có được như mong muốn không?

U Pe Win: Không, thưa ngài.

Sayadaw: Không còn ham muốn thân tâm này, bạn sẽ không đạt được chúng. Hai thứ này đi kèm với già, bệnh và chết. Không có được chúng, bạn sẽ thoát khỏi già, bệnh và chết. Hãy thực hành, đừng dừng lại ở trước miệng của người khác. Hãy tự bản thân mình thực hành. Nếu bạn nhận ra bằng chính kinh nghiệm của riêng mình, thì công việc của bạn đã xong.

Sau đó U Pe Win trở thành một nam cư sĩ, nghiên cứu kinh điển Pali, thực hành vipassanā và đóng góp cho việc truyền bá giáo pháp của Đức Phật.

Sư Chân Thiện dịch

Previous article
Next article
RELATED ARTICLES

Most Popular

Recent Comments