HomeDhammasThế giới

Thế giới

Thế giới là khổ

Các vấn đề trong cuộc sống thế gian (lokiya) là thế giới (loka). Pháp siêu thế (lokuttara) là các hiện tượng bên ngoài thế giới. Có chín pháp siêu thế là bốn Đạo, bốn Quả và Niết Bàn. Một tỳ khưu hỏi Đức Phật: “Bạch đức Thế Tôn, cái gì là thế giới?” Đức Phật trả lời rằng: “Sự sinh khởi và hoại diệt là thế giới”. Pháp thế gian là nơi mọi thứ xuất hiện và biến mất, không một ai được tự do khỏi sự xuất hiện và biến mất. Chỉ có pháp siêu thế là vượt khỏi pháp thế gian và Niết Bàn vượt ra khỏi thế giới (loka).

Con người không biết rằng thế gian là khổ, không biết về hiện tại khổ và tương lai khổ. Thậm chí khi công việc kinh doanh buôn bán diễn ra tốt đẹp thì cũng là khổ. Chỉ khi pháp thế gian về vô ngã xuất hiện, cho bạn cảm giác khẩn cấp (saṃvega) sẽ thúc giục bạn nhanh chóng thoát khỏi thế giới (loka).

Nguyên nhân của khổ (samudaya) và khổ (dukkha) là vấn đề chung của nhân loại. Con người coi cuộc sống là sự phát triển kinh tế, nhưng đó chỉ là những ngọn lửa và nhiên liệu tiếp tục được đốt cháy. Điều này khiến cho Đức Phật không có cơ hội đến và dạy dỗ mọi người. Đây là vấn đề của những người không hiểu về thế giới (loka). Bạn phải cắt bỏ loka, nghĩa là tiến trình loka của các uẩn để thoát ra khỏi các pháp thế gian (saṅkhāra loka).

Từ vô minh dẫn đến sinh rồi tử chính là vòng tuần hoàn của thế giới, được miêu tả bằng vòng tròn mười hai nhân duyên. Trong vòng tròn nhân duyên này chỉ tồn tại Khổ Đế (dukkha sacca) và Tập Đế (samudaya sacca). Chỉ có lửa và nhiên liệu trong vòng tròn đó. Con người tự tạo ra lửa và đang đốt cháy chính mình. Với tâm ô nhiễm nên các bạn không hiểu những lời này, trừ khi có trí tuệ. Thế gian hạnh phúc với ‘tham ái và đau khổ’, không có ‘tham ái và đau khổ’ con người sẽ không hạnh phúc. Vì vậy Đức Phật nói rằng người thế gian là những kẻ điên khùng và ngu ngốc.

Nếu bạn đang hạnh phúc trong thế giới, hãy quan sát sự vô thường của tâm hạnh phúc. Khi đó tham ái và bám víu sẽ không sinh khởi. Nếu bạn thất vọng hãy quan sát tâm sân. Chúng sẽ trở thành pháp siêu thế và bạn vượt qua thế giới. Khi nguyên nhân của khổ và khổ biến mất, thì vòng tròn sinh tử cũng biến mất. Bánh xe sinh tử xoay xung quanh samudaya và dukkha. Không có nhiên liệu và lửa phát sinh, điều rõ ràng sẽ xuất hiện. Nhưng mọi người thích lửa và nhiên liệu hơn, do đó thật khó để nói về Niết Bàn.

Trí tuệ hiệp thế vipassanā đang dọn dẹp mọi thứ để có được hoà bình. Trí tuệ siêu thế là bình yên tuyệt đối và không còn những thứ khác. Mọi người đang coi những thứ không bình yên là hạnh phúc nên để giải thích về Niết Bàn là điều rất khó. Thậm chí có người hỏi rằng “nếu tôi đến Niết bàn thì có chuyện gì ở đó không?” Những người này chưa bao giờ được nghe về sự bình yên tuyệt đối của pháp siêu thế cũng như không biết sự chấm dứt của lửa và nhiên liệu nên họ cho rằng Niết Bàn không tồn tại. Vì vậy những người không hiểu về đau khổ của thế giới thì sẽ quay trở lại thế giới.

Thế giới hình thành qua sáu căn

Sáu cửa giác quan là thế giới (loka). Trong kinh Tương Ưng (samyutta nikaya) Đức Phật dạy rằng có sự sinh khởi của thế giới và sự hoại diệt của thế giới. Toàn bộ quá trình duyên sinh là thế giới. Quá trình duyên sinh trên mắt bắt đầu từ nhãn thức cho đến khi kết thúc là sầu, bi, khổ, ưu, não. Năm giác quan khác cũng diễn ra theo cách tương tự, chúng tạo nên thế giới. Các bạn phải chấm dứt nếu các hiện tượng có sự phát sinh của chúng.

Nếu tham ái không theo sau cảm thọ thì thế giới bắt đầu diệt (loka nirodho) từ đây. Tham ái chấm dứt thì thế giới cũng chấm dứt và bạn không cần phải sợ hãi về nghiệp (kamma). Nếu tham ái không còn thì không có nghiệp tốt và nghiệp xấu nào nữa. Tất cả các bạn đều mong đợi những nghiệp tốt nhưng nếu nghiệp không chấm dứt thì không bao giờ đến được Niết Bàn.

Các bạn phải làm cho nguyên nhân của nghiệp là tham ái (taṇhā) và bám víu (upadana) chấm dứt. Tất cả các bạn chỉ thích những nghiệp tốt và không thích những nghiệp xấu, nhưng tôi khuyên các bạn không nên thích cả hai. Bất cứ nghiệp nào ở đó chỉ là sự sinh khởi, sinh có bản chất là khổ, vì vậy bạn nên thực hành để khiến nghiệp chấm dứt. Thực hành vipassanā để chấm dứt thế giới, còn cuộc sống gia đình, công việc, buôn bán… là sự phát sinh của thế giới.

Có hai con đường là xuôi dòng và ngược dòng, vì vậy bạn phải rất nỗ lực đi ngược dòng để đến thượng nguồn. Ai đó nói về sự thất vọng của thế giới đồng nghĩa với việc đang xây dựng một thế giới cho tương lai. Những người nhàm chán thế giới thì không giống như vậy. Nhàm chán thế giới bằng cách quan sát tính vô thường của bất cứ hiện tượng nào diễn ra trên sáu căn.

Thất vọng và nhàm chán là hai con đường khác nhau. Thất vọng với thế giới là cách nói thông thường nhưng không thực hành, những người này tiếp tục sống và chạy vòng quanh trong thế giới. Thế giới sẽ đi theo và áp bức họ. Nghiệp cũ luôn đi theo và áp bức nếu bạn không chạy trốn khỏi chúng. Bạn chỉ có thể chạy thoát khỏi chúng bằng cách vượt qua thế giới.

Chính con người tạo ra thế giới gồm những nghiệp tốt và nghiệp xấu cái đang áp bức chính họ. Thậm chí bạn sợ thế giới nhưng không biết cách chạy trốn sẽ tiếp tục bị chúng áp bức. Người muốn tự do phải quan sát thế giới. Hãy thực hành cho đến khi nhàm chán với thế giới, rồi sau đó bạn hãy tiếp tục cho đến khi chúng kết thúc và vượt qua chúng.

Thế giới chúng sinh (satta loka)

Tin rằng thế giới chúng sinh (satta loka) tồn tại, con người, chư thiên hay các vị thần Brahma tồn tại thì bạn phải biết rằng đó là tà kiến. Không hiểu về satta loka sẽ bị kẹt trong tà kiến. Nếu tin rằng chúng sinh tồn tại, vậy sau khi chết họ đi về đâu? Giữa hai quá trình dường như không có sự biến mất. Điều này xảy ra vì bạn đã cho rằng chúng sinh tồn tại vĩnh viễn. Đây là quan điểm của thuyết vĩnh cửu (sassata diṭṭhi).

Đặt tà kiến vào bên trong pháp Duyên Sinh thì đó là tham ái lớn. Không có chúng sinh nào, mà chỉ có sự thật về khổ (dukkha sacca) của thân tâm và sự tồn tại của vô thường. Nếu bạn đang dừng lại ở satta loka thì tà kiến sẽ xuất hiện. Tương tự như khi bạn dùng móng tay cào lên cánh tay, cảm giác trên cánh tay và tâm quan sát sẽ sinh khởi và diệt đi tại đó. Vậy chúng có di chuyển đến nơi nào khác không?

Những du sĩ ngoại đạo hỏi tỳ khưu Anurādha bốn câu hỏi:

(1). “Như Lai có tồn tại sau khi chết không?”, điều này đồng nghĩa với

thường kiến. Đây là câu hỏi của những người theo chủ nghĩa thường

hằng, vĩnh cửu.

(2). “Như Lai không tồn tại sau khi chết phải không?” Đây là câu hỏi theo chủ nghĩa huỷ diệt.

(3). “Như Lai vừa tồn tại vừa không tồn tại sau khi chết?” Đây là quan điểm đồng bộ, ekacca sassatadiṭṭhi, thuyết vĩnh cửu một phần.

(4). “Như Lai không tồn tại cũng như không không tồn tại sau khi chết”, đây là chủ nghĩa hoài nghi lảng tránh, amaravikkhepa diṭṭhi.

Nếu trả lời là tồn tại sau khi chết là sai và không tồn tại sau khi chết cũng sai. Vì vậy họ đưa ra câu trả lời bằng cách lảng tránh. Tỳ khưu Anurādha trả lời họ là Đức Phật không dạy theo những cách này và nghĩ rằng nếu những ngoại đạo du sĩ hỏi nhiều hơn thì vị ấy gặp sẽ khó khăn vì bản thân vị ấy vẫn chưa hết những quan điểm sai lầm. Vì vậy, tỳ khưu Anurādha đã trình lên với Đức Phật những câu hỏi của du sĩ ngoại đạo.

Đức Phật hỏi tỳ khưu Anurādha

– “Sắc là thường hay vô thường?”

– “Sắc là vô thường, bạch Đức Thế Tôn.”

– “Vô thường là khổ hay vui?”

– “Vô thường là khổ, bạch đức Thế Tôn.”

– “Khổ là ngã hay vô ngã?”

– “Khổ là vô ngã, bạch đức Thế Tôn”

Sau đó tỳ khưu Anurādha chứng quả Nhập Dòng. Vị ấy đã trả lời tất cả các câu hỏi bằng cách quan sát các uẩn của chính mình. Đức Phật đã hỏi vị ấy theo cách tương tự từng uẩn một trong tất cả năm uẩn. Sau khi nhập vào dòng thánh thứ nhất, Đức Phật tiếp tục hỏi vị ấy “Ngoại trừ sắc, có chúng sinh nào không?” “Bạch đức Thế Tôn, không thể coi đó là một chúng sinh”.

Chỉ có khổ sinh khởi và khổ diệt đi mà không có chúng sinh nào ở đó. Như vậy, nếu hỏi với chúng sinh thì sẽ không có câu trả lời. Trong các uẩn chỉ có các uẩn sinh khởi và các uẩn diệt đi mà không có sự tồn tại nào khác. Nếu bạn kinh nghiệm trực tiếp thông qua điều này sẽ nhập vào dòng thánh thứ nhất. Chỉ biết về satta loka bằng lý thuyết thì không đủ. Để vượt qua satta loka cần phải nỗ lực thực hành và chỉ chắc chắn khi nhận biết được tính vô thường của các uẩn.

Thế giới các hành

Bất cứ điều gì sinh khởi bởi các điều kiện là thế giới các hành (saṅkhāra loka). Ở đây, mọi thứ sinh khởi và diệt đi là thế giới (loka), vì vậy thế giới này nằm trong miền đất của đau khổ (dukkha sacca). Thế giới chỉ chấm dứt khi thoát ra khỏi thế giới của các điều kiện. Trong Dhammasangani, Đức Phật dạy rằng có hai pháp là: pháp có điều kiện (saṅkhata dhamma) và pháp vô điều kiện (asaṅkhata dhamma).

Pháp có điều kiện (saṅkhata dhamma) là pháp của các hiện tượng sinh khởi và diệt đi còn Niết Bàn là pháp không sinh cũng không diệt. Vì vậy các bạn cần phải thoát khỏi pháp có điều kiện. Thân và tâm là pháp có điều kiện. Thân sinh khởi do điều kiện bởi nghiệp (kamma), tâm (citta), nhiệt độ (utu) và dưỡng chất (ahāra). Tâm sinh khởi do điều kiện bởi các căn và các đối tượng giác quan.

Tôi yêu cầu bạn thực hành vipassanā trên các pháp có điều kiện (saṅkhata dhamma). Các pháp được điều kiện bởi bất thiện sẽ gửi chúng sinh đến cõi khổ. Tất cả các pháp có điều kiện đều liên quan đến vô minh (avijja). Avijja paccaya saṅkhāra, vô minh điều kiện nên các hành. Có hành nên thức sinh khởi, ở đây có nghĩa là thức tái sinh. Đó là sinh và có bản chất là khổ, vì vậy cũng không thoát khỏi saṅkhata. Đây là khổ do sinh của người không muốn thoát khỏi các pháp có điều kiện.

Chúng sinh không biết về thế giới nên đang chạy vòng quanh bên trong thế giới. Chỉ có thể đến được Niết Bàn là pháp vô điều kiện (asaṅkhata) khi biết về pháp có điều kiện (saṅkhata), còn không sẽ không bao giờ đến được đó. Đức Phật không bao giờ nói pháp vô điều kiện (asaṅkhata) là thế giới (loka). Thế giới thì dễ hư hỏng, vì vậy Ngài coi Niết Bàn là pháp vô điều kiện.

Bạn sẽ nhìn thấy hiện tượng diệt đi khi quan sát các pháp có điều kiện, tiếp theo sẽ nhàm chán và cuối cùng không còn mong muốn chúng nữa. Theo cách này bạn sẽ nhìn thấy Niết Bàn, ngoài ra không còn cách nào khác. Bạn chỉ trân trọng pháp vô điều kiện khi bạn nhìn thấy pháp có điều kiện. Pháp có điều kiện sinh khởi do điều kiện bởi các nguyên nhân khác nhau nhưng các bạn luôn coi chúng là sở hữu của mình. Vì vậy các bạn thích chúng.

Sau khi thực hành, bạn nhận ra rằng các hiện tượng không thuộc về bạn và chúng không diễn ra theo cách bạn muốn. Rồi bạn biết rằng chúng bị tiêu diệt bởi cái chết, khi đó bạn bắt đầu tìm kiếm sự bất tử và muốn hướng về các pháp vô điều kiện. Những người saṅkhata không có nơi ở vĩnh viễn. Bằng những lời cầu nguyện, các bạn nhận được những thứ luôn không tồn tại. Hầu hết những lời cầu nguyện có cùng ý nghĩa như: ‘hãy để tôi trở nên đau khổ’ hay ‘đừng xảy ra những điều mà tôi mong muốn’.

Cõi Chư Thiên tồn tại vì điều kiện bởi các nghiệp thiện (kusala saṅkhāra) nhưng cũng sẽ bị phá huỷ bởi các nghiệp bất thiện.

500 thiên nữ chết và ngay lập tức rơi vào địa ngục. Bây giờ sự hân hoan và vui vẻ, nhưng sau đó là nỗi buồn và than khóc. Đây là cách của những người saṅkhata. Thiên nam Subrahmā đối diện với hai đau  khổ, buồn rầu cho 500 thiên nữ đã mất và sợ hãi cho khổ nạn của chính mình cùng 500 thiên nữ còn lại đang chờ phía trước. Vị ấy và 500 thiên nữ còn lại sẽ đoạ vào địa ngục A Tỳ sau bảy ngày nữa. Thiên nam Subrahmā đã thấy trước điểm đến của mình trong địa ngục và chắc chắn về điều này. Bị dồn ép bởi ý thức cấp bách và sự sợ hãi cùng cực họ đã đến gặp Đức Phật, lắng nghe Ngài giảng pháp, nhập vào dòng thánh bằng việc thực hành vipassanā và chấm dứt khổ địa ngục.

Có ba thế giới: 

(1) Satta loka là thế giới chúng sinh như con người, loài vật, Chư Thiên, Phạm thiên…

(2) Okāsa loka là thế giới tự nhiên như núi rừng, sông ngòi, vũ trụ…

(3) Saṅkhāra loka là thế giới hữu vi, nơi các hiện tượng sinh khởi và hoại diệt trên thân tâm liên tục không ngừng từ giây phút này đến giây phút khác.

Satta loka và Okasa loka là hai thế giới dựa trên Saṅkhāra loka, đây là quy luật của tự nhiên. Nếu không có quy luật tự nhiên, không gì có thể tồn tại, ngoại trừ Niết Bàn. Đức Phật biết về cả ba thế giới nên có danh hiệu là Lokavidū, Bậc Thông Suốt Thế Giới.

Đức Phật dạy rằng tất cả các thế giới đều không hạnh phúc. Saṅkhāra loka là sinh khởi và hoại diệt của các pháp có điều kiện. Okāsa loka, thế giới tự nhiên bị phá huỷ bởi lửa khi đến ngày tận thế, vì chúng vận hành theo chu kỳ tự nhiên. Satta loka, thế giới chúng sinh, tất cả chúng sinh đều sinh ra rồi chết đi, hết kiếp này qua kiếp khác. Vì vậy cả ba thế giới đều là sự thật của khổ (dukkha sacca).

Thân và tâm kết hợp lại với nhau gọi là satta loka. Không hiểu về satta loka, tà kiến sẽ sinh khởi. Tà kiến biến mất là Niết Bàn, nếu chỉ dừng lại ở satta loka thì tà kiến không biến mất. Trước khi thực hành, bạn phải xua tan tà kiến và hoài nghi trước.

Tà kiến đến từ đâu? Chúng đến từ các uẩn thân tâm. Nếu tin rằng chúng sinh tồn tại thì sẽ xuất hiện ‘tôi gầy’, ‘anh béo’ khi nhìn vào ai đó. Khi khái niệm về con người biến mất, trí tuệ đến và chạm vào các uẩn thì tà kiến cũng rời đi. Bạn phải thâm nhập vào các chúng sinh. Rời xa chúng sinh và để cho trí tuệ tập trung trên các uẩn. Lừa dối bởi satta loka dẫn đến rất nhiều tà kiến xuất hiện.

Các uẩn đang bị che đậy bởi satta loka. Nếu chúng sinh không biến mất, ba dạng của quá trình duyên sinh sinh khởi. Vì vậy bạn phải biết hai điểm sau:

(1). Phải biết về thế giới chúng sinh (satta loka).

(2). Phải tránh xa chúng.

Đừng bác bỏ sự thật thông thường nhưng cũng đừng tin vào quan điểm sai trái. Không biết những điều này thì không dễ để thực hành. Tôi đề cập đến chúng vì đây là điều quan trọng. Không hiểu về satta loka có thể rơi vào cảnh khổ, nhưng không biết về thực tại tối hậu (paramattha dhamma) sẽ không nhận ra Đạo và Quả. Tôi lưu ý bạn sử dụng chúng ở những nơi thích hợp.

Từ chối satta loka với quan điểm rằng không có cha, không có mẹ có thể sẽ phạm trọng nghiệp. Theo cách này chúng trở thành mối nguy hiểm cho Đạo lộ. Không có giới (sīla) thì không có được Đạo và Quả. Biết cách sử dụng satta loka đúng cách sẽ dẫn đến những nơi hạnh phúc (sugati), ngược lại là những nơi khốn khổ (dugati).

(1) Chỉ khi mở ra satta loka thì saṅkhāra loka mới xuất hiện. Thâm nhập vào saṅkhāra loka với trí tuệ thì vô thường xuất hiện. Điều này đúng theo câu kệ “sabbe saṅkhāra anicca”, tất cả các pháp có điều kiện là vô thường.

(2) Saṅkhāra loka kết hợp với trí tuệ và trở thành vipassanā

(3) Điểm cuối của saṅkhāra loka kết hợp với trí tuệ vipassanā trở thành Đạo tuệ.

Phần lớn mọi người chết trước khi khám phá ra satta loka và dính mắc vào ‘nỗi buồn trong ba năm ba mùa mưa’ cho những người thân đã khuất vì không vượt qua được satta loka.

Tà kiến về ngã (atta diṭṭhi) xuất phát từ việc nhìn các uẩn theo cách sai lầm. Tôi luôn dạy bạn cách nhìn các uẩn. Khi nhìn các uẩn bạn biết rằng chúng bị điều kiện bởi sắc, điều kiện bởi thọ nên sinh khởi. Đây không phải là đàn ông hay đàn bà mà chỉ là các uẩn sinh khởi do nguyên nhân. Đây là cái nhìn đúng đắn. Nhìn như vậy thì satta loka sẽ không xuất hiện.

Saṅkhāra loka đang dạy bạn khi chúng xuất hiện và giờ chúng đang biến mất. Chỉ cần nhìn thấy saṅkhāra sẽ nhìn thấy anicca, bởi vì Đức Phật đã nói như vậy sabbe saṅkhāra anicca, mọi hành đều vô thường. Bỏ satta loka và tìm đến saṅkhāra loka nếu bạn muốn đến Niết Bàn. Sau đó quan sát bản chất của saṅkhāra và nơi saṅkhāra kết thúc. Thấy rằng chỉ có sinh khởi và diệt đi, và bạn theo rõi sự kết thúc của chúng. Vô thường của khổ chấm dứt là sự kết thúc của loka, điểm cuối cùng của loka chính là Niết Bàn.

Bài thuyết pháp của sayadaw Mogok

Sư Chân Thiện dịch

Bài liên quan