Chúng ta đang sống chung với những thứ không thuộc về mình. Chắc chắn là các uẩn này không tuân theo mong muốn của chúng ta, dù chỉ trong chốc lát. Sự tồn tại của thân này dựa trên năm uẩn. Nếu đưa ‘tôi’, ‘của tôi’ vào trong các uẩn, thân và tà kiến sẽ bị trộn lẫn, tạo thành ‘thân tôi’, ‘thân của tôi’ tạo nên thân kiến (sakkāya-diṭṭhi). Mọi người đang trộn lẫn cái ‘tôi’ không tồn tại vào các uẩn. Nếu thân tồn tại bởi chính nó thì không có vấn đề gì cả, nhưng cái ‘tôi’ đến trộn lẫn vào thân dẫn tới vô số vấn đề từ bên trong cho tới bên ngoài.
Một con rắn hổ mang sống một mình bởi chính nó thì không có chuyện gì xảy ra. Nếu bạn đến và chạm vào nó, bạn sẽ trở nên đau khổ, tương tự như vậy, bạn tới chạm vào thân này với tà kiến chính là nguyên nhân đưa bạn đến đau khổ. Các bạn cần nhớ rằng chỉ nên trộn ‘tôi’ với thân trong giao tiếp thông thường chứ không được tồn tại trong ý nghĩ.
Không phải là ‘tôi nhận thức’, mà chỉ là tưởng nhận thức. Không phải là ‘tôi đã làm’ mà là hành đã làm. Tự ngã phát sinh cùng với niềm tin vào thân kiến (sakkāya-diṭṭhi), tin rằng có cái ngã thường hằng, bất biến. Ngày hôm qua là tôi và hôm nay cũng là tôi. Hôm qua tôi không chết và hôm nay tôi vẫn còn tồn tại. Dựa vào thân kiến nên thường kiến (sassata-diṭṭhi) theo sau và đi bên cạnh. Tin vào thân kiến, tất cả các quan điểm sai lầm bám theo sau, nếu bạn bỏ rơi nó, tất cả sẽ đều tan biến. Thân kiến thực sự rất khủng khiếp.
Ai làm cho năm uẩn sinh khởi? Sắc uẩn (rūpa-khandha) sinh khởi bởi bốn nguyên nhân là nghiệp (kamma), tâm (citta), nhiệt độ (utu) và dưỡng chất (āhāra). Bốn danh uẩn (nāma-khandha) gồm thọ uẩn (vedanā-khandha), tưởng uẩn (saññā-khandha), hành uẩn (sankhāra-khandha), thức uẩn (viññāṇa-khandha) sinh khởi do các căn (dvāra) tiếp xúc với các đối tượng giác quan (ārammaṇa). Bốn nhân luôn luôn là điều kiện cho sắc uẩn sinh khởi, giống như ngôi nhà được chống đỡ bởi bốn cột trụ. Như vậy sắc uẩn là do bạn tạo ra hay tuân theo quy luật tự nhiên của chính nó? Sắc uẩn sẽ bị sụp đổ và diệt vong bởi một trong bốn nguyên nhân. Vậy chúng thuộc về bạn hay chúng bị điều khiển bởi bốn nguyên nhân?
Bây giờ bạn đã biết về sắc uẩn giống như sắc, và sau đó quan sát tiến trình thay đổi của sắc. Chúng là sắc và sắc là vô ngã. Dễ chịu hay khó chịu là thọ, thọ cũng thay đổi không ngừng, vì vậy đồng hoá cái tôi với thọ không thể xảy ra. Bạn nhận được những thứ mà không thuộc về mình, bạn sẽ vẫn sống nếu các uẩn ra lệnh cho bạn cuộc sống, nếu chúng muốn bạn chết thì bạn phải chết.
Chúng sinh bị áp bức và hành hạ bởi năm uẩn, bạn phải chấp nhận nếu chúng yêu cầu bạn sống tiếp, chịu đựng đau đớn hay thậm chí phải chết. Sau khi tái sinh đến bất kỳ sự tồn tại nào, chúng sẽ luôn coi bạn như nô lệ. Cũng đừng coi đó là điều không may mắn, nếu bạn cho đó là do nghiệp của hành động trong quá khứ thì trở thành tà kiến. Phàn nàn, đổ lỗi cho mọi thứ diễn ra xuất phát từ nhân của nghiệp sẽ trở thành tà kiến về nghiệp (kammavadi-diṭṭhi).
Có ba cách để loại bỏ tà kiến là bằng kiến thức, bằng thực hành với trí tuệ (ñāṇa) và bằng từ bỏ (magga). Tôi muốn các bạn nhận ra vô ngã bằng trí tuệ chứ không phải bằng kiến thức hay tư duy, trong năm uẩn bạn phải thấy một trong số chúng là vô ngã (anatta). Chỉ khi nhìn thấy được vô ngã bằng trí tuệ, tự ngã (atta) sẽ biến mất. Tà kiến về tự ngã (atta-diṭṭhi) và quan kiến về sự tồn tại của một thực thể (sakkāya-diṭṭhi) là giống nhau. Vô thường (anicca), khổ (dukkha) và vô ngã (anatta) là ba đặc tính của tất cả các pháp hữu vi (saṅkhāra), nhận ra chúng là điều rất quan trọng, chỉ cần nhìn thấy một trong số chúng thì sẽ nhận ra các đặc tính còn lại. Để hiểu biết về vô ngã, trí tuệ cần phải thâm nhập vào trong các uẩn. Trí tuệ liên quan tới ba đặc tính này là chánh pháp, là vô thường và Đạo, khổ và Đạo, vô ngã và Đạo, nghĩa là hiểu trực tiếp ba đặc tính này với trí tuệ.
Tại sao Đức Phật dạy cả ba đặc tính này. Một số người có thể hiểu về vô thường và Đức Phật dạy về vô thường, một số người hiểu về vô ngã và Đức Phật dạy về vô ngã, một số người hiểu về khổ và Đức Phật dạy về khổ. Tuỳ theo căn cơ và trí tuệ của người nghe mà Đức Phật đưa ra lời dạy tương ứng. Vô thường là sinh khởi và biến mất, khổ cũng sinh khởi và biến mất, chúng đều có cùng bản chất tự nhiên.
Bạn sẽ biết tất cả về chúng nếu bạn quan sát chúng sinh khởi và biến mất. Bạn cũng sẽ đạt được trí tuệ siêu thế (magga-phala) nếu bạn đạt được trí tuệ hiệp thế (vipassanā-ñāṇa). Hãy quán tưởng về sự sinh và diệt của các pháp là vô ngã. Tại sao? Sinh ra không phải bởi ai đó, diệt đi cũng không phải do ai đó, các pháp diễn ra một cách tự nhiên. Nếu cái tôi không đến làm phiền thì là vô ngã. Tại sao con người không nhận ra được dù là Đạo Tuệ thấp nhất? Bởi vì bạn làm phiền quá trình sinh và diệt bằng cái ‘tôi’, ‘của tôi’, ‘tự ngã của tôi’.
Nếu trộn các uẩn với ‘tôi’, ‘của tôi’ thì trở thành thân kiến, sẽ không trở thành thân kiến nếu bạn không trộn chúng lại. Vì vậy phải xua tan thân kiến trước, nếu bạn đang làm những việc khác trước thì đúng là ngu ngốc. Trí tuệ không xua tan được tà kiến về thân kiến trước, thì ngay cả Đức Phật thuyết pháp cũng không thể nhận ra Niết Bàn. Trên thế giới chỉ tồn tại vô ngã, và bên ngoài thế giới cũng tồn tại vô ngã, đó là Niết Bàn. Một số người nói rằng bất cứ điều gì xảy ra đều là vô ngã, tức là bạn không thể làm được gì. Đây là ngôn ngữ của kẻ nô lệ, nó có nghĩa là bất cứ điều gì xảy ra, tôi chấp nhận điều đó. Bạn phải thay đổi loại vô ngã này, nếu không bạn sẽ không bao giờ vượt qua được nó.
Nếu bạn muốn trộn lẫn, hãy trộn lẫn với trí tuệ. Với mỗi sự sinh và diệt của các hiện tượng, bạn biết điều này với đạo lộ. Theo cách này, sẽ không còn dính mắc vào tà kiến, và không còn phải tái sinh trong các cõi khổ nữa. Đức Phật đã so sánh khổ ban đầu và khổ khi tà kiến đã mất giống như cát ở núi Meru và cát trên móng tay của Ngài. Khi tà kiến đã bị xoá bỏ, khổ vẫn còn tồn tại nhưng chỉ như số hạt cát trên móng tay của Ngài.
Việc tìm đá quý trong lòng đất không phải là điều chắc chắn, nhưng mọi người ở đây đang làm việc chăm chỉ cho những điều không chắc chắn. Không muốn nhìn vào vô thường luôn luôn tồn tại, các bạn buông bỏ điều chắc chắn để làm việc chăm chỉ cho điều không chắc chắn. Các bạn phải rất cẩn thận, nếu không cái bạn đang làm sẽ dẫn bạn tới đau khổ hơn. Vì vậy, hãy làm việc cho mục đích hạnh phúc thực sự.