Chúng ta đang sống như thế nào trong vòng luân hồi (saṃsāra)? Tôi sẽ thảo luận về mối quan hệ giữa con người và các chúng sinh khác. Chúng sinh đang lang thang trong vòng luân hồi bằng cách thay đổi những cái đầu, chẳng hạn từ đầu người sang đầu chó hay đầu lợn. Theo pháp Duyên Sinh, chúng sinh đang chạy xung quanh bởi sinh, già, bệnh và chết. Đây là cỗ máy khổ đau (dukha) đang vận hành, nhưng chúng sinh không biết làm thế nào để thoát khỏi những hiện tượng bị bao phủ, vì vậy vòng luân hồi là vô tận với tất cả chúng sinh.
Có năm chướng ngại che phủ giáo pháp và làm cho trí tuệ không thể phát triển. Đây là những pháp cản trở Đạo và Quả. Thậm chí ngay cả khi được gặp Đức Phật, giáo pháp hay chư tăng, nếu các bạn không loại bỏ những chướng ngại này thì cỗ máy dukhha vẫn tiếp tục hoạt động.
Tiến trình của tâm diễn ra ở tim (hadayavatthu). Nếu máu ở tim bị ô nhiễm thì tâm cũng vậy. Nếu máu ở tim tinh khiết thì tâm sẽ trong sáng, rõ ràng và trí tuệ trở nên sắc bén. Đức Phật minh hoạ rằng tâm có tham giống như bát nước bị nhuộm màu. Bát nước ban đầu là bát nước trong. Cũng như vậy, dòng tâm hữu phần (bhavanga citta) là trong sạch, máu ở trong tim cũng trong sạch. Khi tâm trong sáng như bát nước trong thì dễ dàng quan sát tính vô thường (anicca) của các uẩn. Ngứa xuất hiện rồi biến mất, nhĩ thức xuất hiện rồi biến mất, tỷ thức xuất hiện rồi biến mất, suy nghĩ xuất hiện rồi biến mất. Tất cả đều đang biến mất.
Nếu bạn không thể nhận ra tính vô thường nghĩa là tâm bị trộn lẫn với các chướng ngại, nên trí tuệ không có cơ hội sinh khởi. Điều này cũng giống như bạn không có khả năng nhìn thấy khuân mặt của chính mình trong nước, các hiện tượng vô thường, khổ, vô ngã và bất tịnh không thể nhận biết. Theo kinh Tứ Niệm Xứ (Satipaṭṭhāna), nếu tâm có tham, trước hết hãy quan sát tính vô thường của tâm tham đó, sau đó bạn sẽ thấy tính vô thường trong các uẩn.
Tâm tham sinh khởi mà không biết cách loại bỏ nó, tham sẽ chuyển thành chấp thủ (upadana) và tiếp tục trôi lăn trong luân hồi. Nếu bạn biết cách đối phó với tâm tham thì sẽ trở thành vipassanā, và sau đó tiếp tục quan sát tính vô thường của bất cứ pháp nào sinh khởi. Một số người đổ lỗi cho ba la mật (parami) khi các chướng ngại xuất hiện. Việc này không liên quan gì tới các ba la mật, vấn đề là họ không biết cách nào để giải quyết chúng.
Có hai loại pháp, pháp thế gian và pháp của Đức Phật. Vipassanā là lời dạy của Đức Phật, được sử dụng để thực hành, nhưng cần có người hướng dẫn. Nếu bạn gặp được người thầy tốt, con đường tu tập của bạn sẽ thuận lợi. Gặp được người thầy tốt như bình minh ló dạng, và khi các chi phần của Đạo lộ được phát triển giống như mặt trời xuất hiện. Nếu không có hai yếu này tất cả chúng sinh đều ở trong bóng tối, do đó họ sinh ra, sống và chết trong bóng tối.
Điều này chịu ảnh hưởng bởi vô minh và tham ái. Theo pháp Duyên Sinh, chúng sinh đang đi đến bốn cõi khổ. Tôi sẽ nói về những pháp chướng ngại mà Đức Phật dạy cho vua Ajatasattu. Nếu tham sinh khởi trong các uẩn thì giống như người mắc nợ, tâm không có thời gian rảnh rỗi và tâm trí trở nên buồn rầu. Bạn thử tìm hiểu xem tham có giống như người mắc nợ hay không.
Mọi người lập gia đình, lấy chồng, gả vợ và sinh con. Gia đình là những chủ nợ cho bạn vay tiền, và bạn phải làm việc cho họ. Tham giống như món nợ, món nợ này phải được trả cho đến tận khi bạn qua đời. Ngay cả khi hấp hối bạn vẫn muốn tiếp tục trả nợ. Đức Phật dạy rằng phải từ bỏ lòng tham, nhưng các bạn đang giữ tham bên mình, vì vậy các bạn không phải là Phật tử. Làm thế nào để giải phóng bản thân khỏi kiếp nô lệ? Các bạn luôn yêu bản thân mình nhất vì không biết vấn đề của các uẩn.
Cần phải uống thuốc để nôn ra lòng tham trong các uẩn. Thuốc chính là con đường trí tuệ. Mỗi khi tham sinh khởi quán tưởng tham là vô thường, sau đó tiếp tục quan sát các uẩn nơi tham bị che dấu. Nếu tham ở trong tim lâu hơn thì cuộc sống nô lệ trở nên dài hơn. Chánh kiến là liều thuốc vipassanā đối với chứng nôn mửa. Không có căn bệnh nào lớn hơn lòng tham, không có thuốc nào chữa khỏi được, chỉ có thuốc của Đức Phật.
Muốn tiêu diệt tham ái (taṇhā) hãy quan sát thọ uẩn. Tại sao? Vì thọ điều kiện nên tham ái (vedana paccaya taṇhā). Sau khi cảm thọ chấm dứt, tham ái sẽ chấm dứt (vedana nirodha taṇhā nirodho) và bạn được tự do khỏi danh sách nô lệ. Thời gian bạn không thực hành là thời gian của kiếp nô lệ. Hãy quan sát ba cảm thọ: cảm thọ dễ chịu, cảm thọ khó chịu và cảm thọ trung tính.
Tại sao bạn lại tìm kiếm sự giàu có, bởi vì bạn đang bị hành hạ bởi cảm thọ dễ chịu. Cảm thọ dễ chịu, khó chịu và trung tính đều dẫn đến tham lam, sân hận và si mê, chúng đều rất khủng khiếp. Khi tham ái xuất hiện, nó sẽ yêu cầu bạn tìm kiếm cái này cái kia. Từ cảm giác dễ chịu tham ái sinh khởi, do tham ái nên tìm kiếm sinh khởi. Rất hiếm những người biết cách quan sát các cảm giác, hầu hết mọi người đến chết mà không hề hay biết điều này và nghĩ rằng “tôi chưa muốn chết và tôi rất giỏi trong việc tìm kiếm sự giàu có”.
Nếu bạn có thể quan sát cảm thọ thì tham ái sẽ không sinh khởi. Không sinh khởi thì không có sự tìm kiếm. Đó là Niết Bàn, nơi không có tìm kiếm cái này cái kia. Ngược lại không biết về cảm thọ sẽ không hạnh phúc. Bạn biết cảm thọ khổ không phải bằng trí tuệ, thay vào đó bạn biết với tham ái. Trong 31 cõi luân hồi, tất cả chúng sinh đều bị hành hạ bởi vô minh về cảm thọ. Trong thế giới loài người, người ta dạy nhau cách phát triển các cảm thọ, nhưng không biết cách dạy nhau để chấm dứt cảm thọ.
Cảm thọ trung tính được điều kiện bởi tham ái, upekkha vedana paccaya taṇhā. Có rất nhiều tham ái xảy ra trong quá trình nhìn, nghe, ngửi, nếm. Đức Phật dạy chúng ta phải nhận biết cảm thọ mỗi khi chúng sinh khởi để ngăn ngừa đau khổ của sự tìm kiếm chỗ này chỗ kia. Bạn có thấy Đức Phật và ngài Sariputta đi khất thực không? Tất cả các cảm thọ của họ đã bị tiêu diệt từ lâu, họ đã ở trong Niết Bàn nơi không có sự tìm kiếm chỗ này và chỗ kia. Kết thúc của cảm thọ là an vui tuyệt đối.
Theo sau sự chấm dứt của cảm thọ thì cuối cùng mọi thứ đều kết thúc, vì vậy đừng có quên quan sát các cảm thọ. Nếu bạn sơ xuất nó sẽ đẩy bạn xuống vực thẳm của đau khổ.
Sân (dosa) giống như một người mắc bệnh. Bệnh bắt đầu khi còn nhẹ rồi đến giai đoạn nặng, do đó bạn phải nhận ra tâm sân sinh khởi ngay khi chúng mới xuất hiện. Chú giải nói rằng những người có tính sân thường già nua, bệnh tật và đau khổ sớm hơn so với tuổi của họ. Tâm sân xuất phát từ tà kiến và cần phải quan sát tính vô thường của chúng. Bạn không thể quan sát những thứ khác nếu sân ở đó. Quan sát tâm sân trước, sau khi dập tắt nó hãy quan sát các uẩn mà tâm sân dựa vào. Trong kinh Trung Bộ tâm sân được ví như một con ếch, nếu bạn dùng que chọc vào con ếch, nó sẽ phình to lên.
Theo pháp Duyên Sinh tâm sân bắt đầu từ điểm cuối ‘dosa, soka, parideva’ trong vòng tròn nhân duyên. Không biết tâm sân sinh khởi thì vô minh đã được bao gồm trong đó. Bởi vì vô minh nên vòng duyên sinh quay lăn không ngừng. Do đó tâm sân sinh khởi dẫn mọi người đến đau khổ từ đời này đến đời kia. Căn bệnh này có thể được chữa khỏi bằng tâm từ (metta), nhưng nếu bạn không thể dùng tâm từ thì hãy dùng vipassanā. Vào thời điểm tâm sân hận thì không dễ để khởi lên tâm từ, vì vậy quán tưởng về tính vô thường của sân là cách tốt nhất để kết thúc nó.
Hôn trầm (thina) và thuỳ miên (middha) được ví như phạm nhân trong ngục tù. Những phạm nhân này không biết điều gì đang xảy ra bên ngoài nhà tù, vì vậy hai pháp này khủng khiếp hơn những pháp khác. Chúng là số một ở điểm không biết. Người sân biết tâm sân của mình, người tham biết tâm tham của mình cho dù người ta không vượt qua được nó. Không khó để quan sát tâm tham và sân, nhưng đối với người hôn trầm và thuỳ miên, họ không thể làm được điều đó. Vì vậy chúng giống như phạm nhân bị nhốt trong nhà tù saṃsāra.
Những người thường xuyên hành thiền dẫn đến thói quen được hình thành, khi gần chết thường nghiệp (āciṇṇa kamma) xuất hiện và sẽ chết với nụ cười trên môi. Trong cuộc sống hàng ngày bất cứ hành động hay chuyển động nào mà bạn làm, tà kiến và tham ái luôn luôn bám theo các uẩn. Vì vậy bạn không thể nào nhìn thấy những thay đổi bên trong chúng. Cho tới khi Đức Phật xuất hiện và những vị thầy hướng dẫn cho bạn, bạn mới nhận ra sự thay đổi của các uẩn. Khi đó trí tuệ đi cùng với các uẩn, trí tuệ nhìn thấy sự xấu xí của các uẩn nó trở nên chán ngán, ghê tởm và mất lòng tin vào các uẩn. Tiếp tục quan sát trí tuệ sẽ không còn tiếp tục liên kết với các uẩn. Theo cách đó Đạo tuệ sinh khởi và bạn có thể mỉm cười khi gần chết.
Bồn chồn (uddhacca) và hối hận (kuckkucca) là những kẻ nô lệ. Khi tâm không được bình yên, nó không bao giờ làm theo ý định và mong muốn của bạn. Bạn phải chạy theo sự bồn chồn giống như một kẻ nô lệ. Người nô lệ đi theo sau chủ nhân của mình, giống như con ong làm tổ trên đuôi con chó. Hãy quan sát về tính vô thường của bồn chồn, lười biếng hay uể oải. Sau khi vượt qua những tâm bất thiện này hãy khởi động lại với đối tượng ban đầu. Hối hận (kukkuca) có hai trạng thái tâm. Hối hận với những hành động bất thiện đã làm trước đây và lo lắng với những hành động thiện chưa làm. Trạng thái tâm này có thể xuất hiện trong lúc hành thiền cũng như trong lúc hấp hối.
Nếu ai đó hỏi bạn đến từ đâu, mọi người sẽ trả lời rằng đến từ bụng mẹ. Nhưng Đức Phật nói rằng tái sinh là sự thật của đau khổ, vì vậy câu trả lời đúng là đến từ dukkha sacca. Sau đó họ lại hỏi tiếp, bạn đang sống ở đâu? Câu trả lời sẽ là Mandalay, Taung Myo. Già là sự thật của khổ (jarā pi dukkha saccam), vì vậy bạn luôn đang sống với sự thật của khổ.
Các bạn nghĩ rằng những điều tốt đẹp đang đến. Cuộc sống tốt đẹp đang đến nếu bạn không có mắt nhìn ra sự thật. Vyadhi pi dukkha saccam, bệnh tật là sự thật của khổ. Bạn nghĩ rằng mình khoẻ mạnh nhưng thực tế con người luôn phải sống chung với bệnh tật. Một lần nữa các bạn biết cái chết là sự thật của khổ, marana pi dukkha sacca. Do đó các bạn đến từ dukkha, sống với dukkha và sẽ chết với dukkha. Chức năng của các uẩn chỉ là những thứ này, trong toàn bộ vòng luân hồi, chúng sinh đang lang thang với sự thật của khổ. Chúng ta chưa bao giờ có được hạnh phúc giữa chúng. Đau khổ bị che đậy bởi những pháp chướng ngại (nivarana dhmama) nên không thể nhìn thấy con đường tự do. Vì vậy, khởi động cỗ máy khổ đau là các pháp chướng ngại.
Hoài nghi (vicikicchā) đến từ đâu? Chúng ta cùng đi tìm nguyên nhân. Trong kinh Trung Bộ, bài kinh Mulapannasa, Đức Phật nói rằng hoài nghi xuất phát từ sự không chú ý đến những điều nên chú ý và chú ý đến những điều không nên chú ý. Vì vậy, nguyên nhân của hoài nghi đến từ không khéo tác ý (ayonisomānasikāra). Tà kiến là pháp si mê (moha), nó được bao gồm trong mười hai tâm bất thiện (akusalacitta). Chỉ khi phá bỏ hết tà kiến và hoài nghi thì mới chứng ngộ Niết Bàn lần đầu tiên, sau đó mới có thể nhận ra các Đạo tuệ khác cao hơn, dẫn đến hạt giống của những cõi khổ bị phá huỷ.
Để phát triển tác ý chân chánh, cần phải kết hợp giữa kiến thức, tư duy và lắng nghe pháp thoại. Có ba loại hoài nghi về bản thân. Chúng ta đến từ đâu? Điều gì xảy ra với chúng ta bây giờ? Sau khi chết chúng ta sẽ đi về đâu? Các bạn đang làm công việc hàng ngày giống như một người đi trên sợi dây sắp đứt được căng ngang trên trời. Nếu các quan điểm sai lầm của bạn không bị tiêu diệt, tôi phải cảnh báo cho bạn về mức độ nguy hiểm của nó. Không thể xua tan hoài nghi thì tà kiến không thể mất đi, nếu tà kiến không mất đi thì không thể thoát khỏi sự lang thang trong những cõi khổ.
Tà kiến và hoài nghi (vicikicchā) còn nguy hiểm hơn cả hai quả bom nguyên tử đã ném xuống thành phố Hiroshima và Nagasaki. Hai quả bom nguyên tử này chỉ khiến bạn chết một lần, nhưng tà kiến và hoài nghi khiến bạn chết đi sống lại nhiều lần. Từ kết quả của vô minh và nghiệp lực cây năm uẩn sinh trưởng và phát triển. Cây lớn lên, ra hoa và kết trái, rồi từ trái cây, một cây nữa lại mọc lên, cứ như vậy không ngừng. Vì vậy các bạn phải đối phó với cây hiện tại là các uẩn và làm cho nó không kết trái nữa. Đừng chỉ nghe pháp thoại để lấy phước thiện, hãy ghi nhớ và thực hành.
Quan sát tính vô thường nếu tâm hoài nghi xuất hiện. Thực hành quan sát trên năm uẩn, vô minh trở thành trí tuệ, nghiệp lực và tâm tái sinh sẽ không còn khả năng sinh khởi. Không có hạt giống thì không có cây nào mọc lên. Sau khi hoài nghi biến mất, hãy tiếp tục quan sát về năm uẩn.
Hoài nghi về các uẩn dẫn đến phát triển vô minh và các hành, cái mà dẫn dắt chúng sinh lang thang trong vòng tròn sinh tử.
…→ vô minh + hành → năm uẩn → vô minh + hành → năm uẩn →..
Đức Phật nói rằng không thể tìm thấy sự khởi đầu của một chúng sinh hay khởi đầu của vòng luân hồi. Nhưng nếu bạn hỏi nguyên nhân của chúng thì có thể được trả lời. Vô minh và nghiệp lực là hai yếu tố chính, chúng là nguyên nhân chính của các uẩn. Bởi vì có Tập Đế nên Khổ Đế sinh khởi, do đó chỉ có Khổ Đế (dukkha sacca) cùng với Tập Đế (samudaya sacca) đang lang thang trong vòng luân hồi. Vì những chướng ngại mà Diệt Đế (nirodha sacca) và Đạo Đế (magga sacca) không thể vào được. Trong vòng luân hồi chỉ có nhân xấu và quả xấu đang đi lang thang mà không có nguyên nhân tốt và quả tốt. Cô đọng lại pháp Duyên Sinh chỉ có bấy nhiêu thôi.
Nguyên nhân của cái chết là vô minh và các hành, kết quả của cái chết là các uẩn. Bạn phải tìm kiếm nhân tốt và quả tốt trước khi tuổi già và bệnh tật đến. Nếu bạn tìm kiếm điều đó giữa bệnh tật và cái chết thì sẽ không bao giờ thành công.
Ngài Anuradha là một tỳ khưu gần gũi với Đức Phật và đã thực hành, nhưng còn hoài nghi. Tỳ khưu Anuradha chưa vượt qua được hoài nghi của mình. Vị ấy nghi ngờ và không thể trả lời được những câu hỏi do người ngoài đặt ra. Bạn phải quan sát để thấy sự sinh và diệt của các hiện tượng. Sau khi được Đức Phật xua tan tà kiến và hoài nghi, vị ấy thâm nhập vào các khổ uẩn sinh diệt nên trở thành một vị thánh Nhập Dòng, và cuối cùng là một vị Arahant.
Đạo tuệ chỉ sinh khởi khi thâm nhập được vào trong các uẩn khổ, khổ chấm dứt nghĩa là các uẩn không còn tồn tại. Đạo tuệ không còn thấy các uẩn, là nhân của hạnh phúc và quả của hạnh phúc là Niết Bàn.
Sư Chân Thiện dịch